Các chuyên gia khuyên trong quá trình điều trị, F0 nếu sốt thì không nên tắm, chỉ chườm ấm và lau người để hạ nhiệt. Nếu cơ thể ổn định, có thể tắm và gội đầu bình thường bằng nước ấm.
Người mắc Covid-19 có thể sốt cao (hoặc sốt nhẹ), khàn tiếng, đau họng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức người, ăn uống kém, tiêu chảy, nôn... Ở một số người, các triệu chứng này nhẹ, thoáng qua, mau chóng phục hồi nhưng cũng có người triệu chứng nặng, kéo dài.
Nhiều người cho rằng không nên tắm gội, vệ sinh thân thể vì nhiều lý do như làm bệnh nặng hơn, nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà...
Bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà, cho biết với các F0 không bị sốt, việc tắm gội bằng nước ấm giúp bệnh nhân thư thái và sạch sẽ, cải thiện sức khỏe.
Gia đình chị Hiền, 32 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội gồm vợ chồng và con trai 7 tuổi cùng mắc Covid-19 từ ngày 16/2. Những ngày đầu, do cơ thể bị sốt, cả nhà chị kiêng tắm, chỉ thay quần áo. Ngày thứ năm của bệnh, khi đã dứt cơn sốt, các thành viên bắt đầu tắm gội trong điều kiện phòng cửa đóng kín, lau người và mặc quần áo ngay trong phòng tắm, sau đó sấy tóc nhanh nhất có thể, đi tất. "Mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng tắm gội, đỡ mệt mỏi và thoải mái hơn. Đặc biệt, tắm xong giúp ngủ ngon hơn", chị Hiền nói sau 8-9 ngày, gia đình chị lần lượt nhận kết quả âm tính.
Tiến sĩ - bác sĩ Quan Thế Dân, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương, cho hay với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày một lần.
"Khi tắm, các F0 cần tắm bằng nước ấm khoảng 30 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5-10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô. Tắm gội giúp giải phóng các tế bào da chết, làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần và giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện, khoa Hồi sức tích cực (ICU) vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu", bác sĩ Dân nói.
Để tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, đang tiêm truyền, có vết mổ, suy tim gan thận nặng không được tắm. Thay vào đó, người bệnh có thể áp dụng biện pháp tắm khô, lau người nhanh rồi thay quần áo.
Ngoài ra, bác sĩ Dân khuyến cáo về cách xông đúng cách. Theo ông, trong y học hiện đại, các biện pháp xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, thư giãn, nâng cao hệ miễn dịch, giúp người cảm cúm mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ, xông hơi không thể tiêu diệt virus, xông quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Xông hơi nhiều lần, súc họng nước muối nhiều lần làm tổn thương niêm mạc hô hấp, dễ gây bội nhiễm các bệnh hô hấp khác.
"Không xông quá nóng hoặc quá lâu, gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây hại nhiều hơn. Ngày chỉ nên xông một lần, từ 10-15 phút là đủ", bác sĩ Dân khuyến cáo.