Chứng khoán thế giới bị bán tháo, giá dầu vượt 110 USD. Ngày 1/3, hàng loạt chỉ số của Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm mạnh. Do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, giá dầu thế giới cũng bị đẩy lên trên 110 USD/thùng.
Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán thế giới vừa chứng kiến đợt bán tháo lớn sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.
Kết phiên giao dịch ngày 1/3, chỉ số Dow Jones giảm 597,65 điểm, tương đương 1,76%; S&P 500 giảm 67,68 điểm, tương đương 1,55%; Nasdaq Compotsite giảm 218,94 điểm, tương đương 1,59%.
Tương tự, đà bán tháo cũng xuất hiện tại thị trường châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 128,05 điểm, tương đương 1,72%; DAX của Đức giảm 556,17 điểm, tương đương 3,85%; CAC 40 của Pháp giảm 262,34 điểm, tương đương 3,94%; chỉ số toàn châu Âu Stoxx 600 giảm 10,74 điểm, tương đương 2,37%.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sắc đỏ cũng chiếm phần đa trong phiên mở cửa ngày 2/3. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 424,22 điểm, tương đương 1,58%; Hang Seng của Hong Kong giảm 203,1 điểm, tương đương 0,9%; SSE của Thượng Hải giảm 13,95 điểm, tương đương 0,41%.
Một số chỉ số khác trong cùng khu vực có diễn biến trái chiều là Kospi của Hàn Quốc (tăng 0,5%) và S&P/AXS 200 của Australia (tăng 0,22%).
Thị trường Việt Nam cũng lao dốc mạnh trong phiên hôm nay. Chỉ số VN-Index tụt 0,91% xuống ngưỡng 1.485 điểm, gồm 340 mã giảm, 115 mã tăng và 46 mã giữ nguyên tham chiếu.
Tiêu điểm đáng chú ý nhất hiện nay là giá dầu thế giới. Giá cả hai loại dầu là WTI và Brent đều tăng vọt qua ngưỡng 110 USD/thùng. Trong 30 ngày qua, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 23,2% và 20,8%. Đây cũng là mức giá cao nhất so với 7 năm trở lại đây.
Các bước khai thác nguồn dự trữ không thể xoa dịu nỗi lo về nguồn cung khi các lệnh trừng phạt Nga ngày một nặng nề. Giá dầu tăng kéo theo các chỉ số hàng hóa lên mức mạnh nhất kể từ năm 2009.
Chiến tranh và lệnh trừng phạt càng làm tăng nguy cơ suy giảm kinh tế cũng như áp lực giá cả. Tình trạng này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải cân bằng mục tiêu giữa chống lạm phát và ổn định tốc độ tăng trưởng. Nhiều chuyên gia cho rằng FED sẽ sớm tăng lãi suất, nhưng quan trọng là tăng ra sao.
“FED sẽ phải tiếp tục giảm lạm phát khi vấn đề này sẽ còn tệ hơn nhiều. Lạm phát đình trệ là rủi ro lớn nhất trong năm nay và điều đó sẽ xảy ra”, Kathryn Rooney Vera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Bulltick LLC, cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp vào cuối ngày 2/3. Dự kiến ông Powell sẽ vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất trong tháng này.
VietBF@ sưu tập
|
|