Dù còn những lo ngại, kế hoạch ứng phó Covid-19 mới của Tổng thống Biden được xem là thông điệp đầy hy vọng cho một khởi đầu mới của Mỹ.
Nhà Trắng ngày 2/3 tuyên bố đã đến lúc nước Mỹ không để Covid-19 "quyết định cách chúng ta sống", khi vạch ra chiến lược ứng phó mới cho phép mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường một cách an toàn sau hai năm gián đoạn vì đại dịch.
Kế hoạch chuẩn bị ứng phó Covid-19 quốc gia dài 90 trang gồm 4 mục tiêu chính: phòng chống và điều trị Covid-19, chuẩn bị ứng phó các biến thể mới, tránh đóng cửa đất nước và chống đại dịch ở nước ngoài. Một điểm nổi bật của chiến lược là kế hoạch "thử nghiệm điều trị" mới, cung cấp thuốc kháng virus miễn phí tại hiệu thuốc cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Nhiều sáng kiến khác trong chiến lược, như thúc đẩy nghiên cứu để vaccine có thể phát triển và triển khai trong vòng 100 ngày kể từ khi biến thể xuất hiện, từng được công bố trước đây. Nhưng kết hợp lại với nhau, chúng mang đến một chiến lược chi tiết cho giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến với Covid-19 của Mỹ.
"Đừng nhầm lẫn, Tổng thống Joe Biden sẽ không chấp nhận 'sống chung với Covid-19' như cách chúng ta chấp nhận với ung thư, Alzheimer hay AIDS", kế hoạch mới có đoạn. "Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc ngăn chặn virus lây lan, làm giảm tác động của nó với người nhiễm và triển khai các phương pháp điều trị mới để giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng và tử vong".
Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 7/2021. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Y tế Xavier Becerra nhấn mạnh một yếu tố khác của kế hoạch là thúc đẩy nghiên cứu tình trạng hậu Covid-19, các triệu chứng lâu dài mà một số người gặp sau khi nhiễm bệnh. Ông cam kết sẽ mở "các trung tâm xuất sắc" trên khắp nước Mỹ để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao cho bệnh nhân hậu Covid-19.
Một nhóm lưỡng đảng cũng thúc giục Tổng thống Biden làm nhiều hơn cho hàng chục nghìn trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì Covid-19 ở Mỹ. Nhà Trắng dường như đã ghi nhận ý kiến này. Kế hoạch ứng phó Covid-19 nêu rõ Tổng thống chỉ đạo các cơ quan liên bang xem xét chương trình hỗ trợ phối hợp hơn cho khoảng 200.000 đứa trẻ ở Mỹ.
"Đây là một phần trong cam kết của chúng tôi để luôn hỗ trợ những người Mỹ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tinh thần hậu Covid-19", ông Becerra nói.
Nhiều chuyên gia đã ca ngợi kế hoạch là một bước đi tốt của Mỹ. Tiến sĩ Rick Bright, giám đốc điều hành Viện Phòng chống Đại dịch của Quỹ Rockefeller, gọi đây là "khởi đầu tuyệt vời", thêm rằng kế hoạch sẽ "đóng vai trò nền tảng vững chắc để xây dựng, mở rộng khả năng sẵn sàng thoát khỏi Covid-19".
Nhưng Jay A.Winsten, giám đốc Viện Chiến lược truyền thông về Sức khỏe cộng đồng Harvard, nói thời gian 100 ngày để phát triển vaccine có lẽ chưa đủ nhanh để ứng phó với các biến chủng có khả năng lan truyền mạnh như Omicron. Mẫu Omicron đầu tiên được thu thập ở Nam Phi vào ngày 8/11 năm ngoái và Mỹ đạt đỉnh làn sóng này vào 14/1, chỉ sau 67 ngày, theo Winsten.
Chiến lược Covid-19 mới cũng vấp một trở ngại lớn, khi phần lớn kế hoạch đòi hỏi tài trợ từ quốc hội. Chính quyền Tổng thống Biden gần đây nói với các quan chức trong quốc hội Mỹ rằng họ có thể cần tới 30 tỷ USD để duy trì ứng phó Covid-19. Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, một cố vấn bên ngoài Nhà Trắng, nói Mỹ cần phải chi nhiều hơn, dự kiến 100 tỷ cho năm tới và hàng tỷ USD khác sau đó, để có thể chuẩn bị đầy đủ ứng phó đại dịch.
"Quốc hội phải nghĩ về kế hoạch như khoản đầu tư cho an toàn sinh học của đất nước", Emanuel nói.
Tổng thống Biden nhậm chức hơn một năm trước với kế hoạch ứng phó Covid-19 dài 200 trang, được xem là thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông. Nhưng nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó.
Hơn 200 triệu người Mỹ đã tiêm chủng. Hai làn sóng mới, do biến chủng Delta và Omicron gây ra, đã khiến số người chết lên gần một triệu. Các phương pháp điều trị đã được phát triển, trong đó có thuốc Paxlovid của Pfizer.
Dù Paxlovid tương đối khan hiếm kể từ khi được cấp phép vào cuối năm 2021, ông Biden trong bài phát biểu ngày 1/3 cho biết "Pfizer đang tăng thời gian làm việc để sản xuất một triệu viên thuốc trong tháng này và gấp đôi trong tháng tới".
Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 60.000 ca mới mỗi ngày, theo dữ liệu tổng hợp của NY Times. Con số này thấp hơn nhiều mức trung bình 800.000 hồi tháng 1, đỉnh điểm của làn sóng Omicron. Nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với số ca nhiễm hàng ngày hồi tháng 6 năm ngoái, trước khi Delta khiến số ca tăng vọt trong mùa hè.
Ngay cả khi Nhà Trắng khẳng định tình hình đang dần tốt lên và các hướng dẫn liên bang mới nói 70% người Mỹ có thể ngừng đeo khẩu trang, vẫn còn nhiều nhóm có nguy cơ cao. Trẻ em dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine. Đầu tuần này, các quan chức y tế bang New York công bố dữ liệu cho thấy vaccine của Pfizer ngăn ngừa nhiễm nCoV ở trẻ từ 5-11 tuổi kém hơn so với thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành.
Ngoài ra, ước tính 7 triệu người Mỹ có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền hoặc bị khuyết tật, khiến họ dễ có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố họ đang thực hiện một số bước để giúp các nhóm này dễ tiếp cận khẩu trang và xét nghiệm hơn.
Gregg Gonsalves, nhà dịch tễ học tại Đại học Yale, nói quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang đang đặt quá nhiều gánh nặng lên những người Mỹ dễ bị tổn thương.
Hiện tại, quy định đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa và các loại hình giao thông khác chưa được bãi bỏ. Jeffrey D. Zients, điều phối viên phản ứng Covid-19 Nhà Trắng, nói nó sẽ có hiệu lực ít nhất tới ngày 18/3, nhưng Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đang xem xét.
Trong thông điệp liên bang ngày 1/3, Tổng thống Biden kêu gọi quốc hội cung cấp ngân sách mới cho chính quyền để dự trữ thêm kit xét nghiệm, khẩu trang và thuốc. Ông nói những người Mỹ yêu cầu các kit xét nghiệm miễn phí tại nhà có thể được đặt số lượng nhiều hơn vào tuần tới.
"Tôi có thể nói chúng ta đang tiến về phía trước một cách an toàn, trở lại với những thói quen bình thường. Đã đến lúc người Mỹ trở lại làm việc và đưa các thành phố tuyệt vời của chúng ta trở lại nhộn nhịp một lần nữa", ông Biden nói.
Kế hoạch mới của chính quyền Tổng thống Biden cũng nhận được hưởng ứng từ nhiều người dân. "Ông ấy đã gửi một thông điệp hy vọng, chứ không phải tuyệt vọng", Juan Gallego, một cư dân 58 tuổi ở Chelsea, Massachusetts, nói. "Chúng tôi đang ở trong tình thế tốt hơn nhiều. Ông ấy nói đúng".