Một đánh giá gần đây cho thấy kiểu ăn kiêng này có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ít phụ thuộc vào thuốc điều trị hơn hoặc thậm chí không cần dùng thuốc nữa.
Một đánh giá gần đây cho thấy kiểu ăn kiêng này có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ít phụ thuộc vào thuốc điều trị hơn hoặc thậm chí không cần dùng thuốc nữa.
Nhịn ăn gián đoạn là một biện pháp "hai trong một" rất được ưa chuộng trên thế giới. Ở Việt Nam nó cũng thịnh hàng vài năm gần đây vì được cho là có hiệu quả "detox" cải thiện sức khỏe, tăng cường thể lực đồng thời còn giúp giảm cân.
Nguồn: emoi
Một số nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn thậm chí có thể làm tăng tuổi thọ mà không cần thực hiện chế độ ăn giảm calo nghiêm ngặt vốn là "kim chỉ nam" của các chế độ ăn kiêng chống lão hóa cổ điển.
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp tiêu thụ ít calo hoặc thậm chí không tiêu thụ calo trong vòng 12-16 tiếng mỗi ngày hoặc nhịn ăn trong 24 tiếng một vài lần mỗi tuần. Hai phương pháp nhịn ăn gián đoạn thường gặp là nhịn ăn 16 tiếng mỗi ngày hoặc nhịn ăn 24 tiếng hai lần mỗi tuần.
Tuy nhiên, những bệnh nhân tiểu đường cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi thực hiện chế độ ăn này.
Kháng insulin
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến 34,2 triệu người Mỹ, cứ 10 người thì có 1 người bị tiểu đường. Trong năm 2017, đây cũng chính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ bảy tại đất nước này.
Trong khi đó, cũng trong năm 2017 tại Việt Nam có 3,54 triệu bệnh nhân tiểu đường, chiếm tỉ lệ 5,5% dân số - tức là cứ 15 người thì có hai người mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nồng độ glucose máu cao bất thường (còn gọi là bệnh tăng đường huyết).
Tình trạng tăng đường huyết ở bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra do hormone insulin (giúp ổn định đường trong máu) giảm hoặc các mô trong cơ thể giảm độ nhạy với insulin (còn gọi là tình trạng kháng insulin).
Kháng insulin có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như mù lòa và suy thận.
Mục tiêu của điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 là ngăn ngừa hoặc trì hoãn những biến chứng này và duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến khích những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, hầu hết các cá nhân vẫn cần kết hợp dùng thuốc để giảm lượng đường huyết trong máu.
Hầu hết các thuốc này có khả năng làm tăng nồng độ insulin, nhưng điều này theo một số chuyên gia có thể gây ra hậu quả không mong muốn: tăng insulin để điều trị những bệnh nhân bị "lờn" insulin về lâu dài có thể khiến tình trạng kháng insulin nặng hơn, rồi từ đó phải tăng lượng thuốc sử dụng.
Người dùng thuốc còn có thể tăng cân.
Ngoài ra nồng độ leptin (một loại hormon làm giảm cảm giác thèm ăn) cũng có thể tăng. Có nghĩa là tương tự insulin, tình trạng kháng hormon leptin có lẽ cũng tăng ở những bệnh nhân này.
Đồng thời người bệnh có thể bị giảm nồng độ adiponectin - hormon có vai trò chống lại bệnh tiểu đường và tình trạng viêm.
Cố gắng hạn chế calo
Một số người mắc bệnh tiểu đường có thể giảm thiểu nhu cầu dùng thuốc điều trị bằng cách liên tục hạn chế lượng calo nạp vào để vừa giảm cân vừa cải thiện quá trình trao đổi chất.
Tuy nhiên, duy trì hạn chế lượng calo nạp vào trong thời gian dài không phải là chuyện dễ dàng.
Vì vậy có lẽ một số người cảm thấy nhịn ăn gián đoạn dễ thực hiện hơn mà vẫn mang lại những tác dụng tốt tương tự như cải thiện trao đổi chất, giảm mỡ cơ thể và giảm cân ở người béo phì.
Trong một bài đánh giá tổng quan các cuộc thử nghiệm lâm sàng cùng một loạt trường hợp liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 và nhịn ăn gián đoạn được xuất bản năm 1990 và năm 2020, các tác giả kết luận rằng: Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp cải thiện một vài chỉ số quan trọng của bệnh, bao gồm:
● Giảm cân nặng.
● Giảm đề kháng insulin.
● Mức leptin thấp hơn.
● Tăng mức adiponectin.
Các tác giả cũng đề cập rằng một số nghiên cứu trước đó đã phát hiện rằng nhu cầu điều trị insulin của bệnh nhân có thể giảm khi nhịn ăn gián đoạn dưới sự giám sát của các bác sĩ.
Ví dụ, trong một nghiên cứu ba người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 được theo dõi trong vài tháng sau khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn 24 giờ ba lần mỗi tuần.
Cả ba người đều có chỉ số HbA1c giảm đáng kể - HbA1c là thước đo lượng đường huyết trung bình trong vài tháng (khác với lượng đường huyết đo tại thời điểm nhất thời quen thuộc)
Cả 3 người đều giảm cân nặng và thậm chí dừng điều trị insulin trong vòng 1 tháng sau khi bắt đầu nhịn ăn.
Điều quan trọng là họ cảm thấy chế độ ăn này dễ thực hiện và không ai bỏ dở cuộc thử nghiệm.
"Trong vòng chưa đầy một tháng, bệnh tiểu đường tuýp 2 của họ đã được đẩy lùi đáng kể" - Bác sĩ Jason Fung, một chuyên gia về thận và cũng là người ủng hộ nhịn ăn gián đoạn cho biết.
"Thậm chí một năm sau, tôi nghĩ hai người trong số họ không cần sử dụng thuốc nữa (…), vì vậy nhịn ăn gián đoạn có hiệu quả rất tốt và hoàn toàn miễn phí, phù hợp với tất cả mọi người và đã được sử dụng trong hàng ngàn năm qua".
Các tác giả bài báo cũng trích dẫn một thử nghiệm lâm sàng trên 137 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm thực hiện chế độ ăn hạn chế calo liên tục và nhóm thực hiện nhịn ăn gián đoạn.
Sau 12 tháng, cả hai nhóm có mức HbA1c giảm ngang nhau. Tuy nhiên, xét trung bình nhóm nhịn ăn gián đoạn giảm cân nhiều hơn.
Cách hoạt động
Các tác giả kết luận rằng nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm béo và cải thiện tình trạng kháng insulin không chỉ bằng cách giới hạn lượng calo nạp vào mà còn thông qua "tái lập trình quá trình trao đổi chất".
Quá trình tái lập trình này liên quan đến việc chuyển từ glucose sang axit béo và cetone (sản phẩm của sự phân hủy các chất béo dự trữ) để sinh năng lượng.
Bằng cách giảm lượng mỡ trong cơ thể, nhịn ăn gián đoạn cũng có thể cải thiện độ nhạy với leptin và adiponectin, do đó cải thiện khả năng kiểm soát sự thèm ăn và giảm viêm mãn tính.
Tuy nhiên, kiểu ăn kiêng này có thể không dành cho tất cả mọi người, bởi vì không dễ gì để thuyết phục bệnh nhân từ bỏ hoặc giảm đáng kể lượng calo trong 24 tiếng trong khi họ đang ăn ba bữa một ngày, chưa kể còn ăn vặt giữa buổi.
Các tác giả cũng cảnh báo lưu ý các vấn đề an toàn sức khỏe khi nhịn ăn gián đoạn, ví dụ những người dùng thuốc làm tăng mức insulin nên được theo dõi kỹ để tránh tình trạng insulin bị tụt quá thấp gây nguy hiểm trong lúc nhịn ăn.
"Những người mắc bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ nhịn ăn gián đoạn để bác sĩ có thể giám sát và điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp."
Bằng chứng còn hạn chế
Dù đã có nhiều thông tin khả quan về tác dụng của nhịn ăn gián đoạn như đã bàn luận phía trên, cần lưu ý rằng nhiều thử nghiệm về chế độ ăn gián đoạn không được thực hiện trên bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, hầu hết các bằng chứng về cải thiện lượng mỡ và chuyển hóa trong cơ thể khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn đều đến từ nghiên cứu trên động vật.
Như vậy, vẫn cần có thêm nhiều thông tin từ các thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên người bệnh tiểu đường để có thể hiểu rõ hơn tác dụng của nhịn ăn gián đoạn đối với nhóm bệnh nhân này.
VietBF©sưu tập