Để thanh nhiệt trong mùa hè nóng nực, nhiều người nghĩ vitamin C sẽ làm mát cơ thể. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, nhiều người cho rằng bổ sung vitamin C sẽ làm mát, thanh nhiệt cơ thể trong mùa hè. Tuy nhiên, nhiều chất bổ sung chứa lượng vitamin C cao, có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn trong một số trường hợp.
Thống kê cho thấy nếu dùng vitamin C liều cao (1.000 mg mỗi ngày), kéo dài trong nhiều ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát, chảy máu dạ dày hoặc tiêu chảy), dẫn đến hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu.
Người thiếu men (glucose-6 phosphate dehydrogenase – G6PD, khiến tế bào hồng cầu hoạt động không bình thường), dùng vitamin C liều cao, kéo dài có thể bị tán huyết. Ngoài ra, nếu dùng vitamin C thường xuyên, liều cao, cơ thể dễ quen, khi không dùng sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Người dân có biểu hiện xanh xao, hốc hác, thiếu máu, sụt cân liên tục, đau dạ dày, sốt, mất ngủ, có thể đã dùng quá liều vitamin C.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước. Trái ngược với vitamin tan trong chất béo, vitamin tan trong nước không được lưu trữ trong cơ thể. Thay vào đó, vitamin C mà cơ thể hấp thụ sẽ được chuyển đến các mô thông qua dịch cơ thể, bài tiết qua nước tiểu.
Bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, sỏi thận. Nếu nạp quá nhiều vitamin vào cơ thể với liều lượng lớn, vitamin C sẽ bắt đầu tích tụ, dẫn đến các triệu chứng quá liều.
Thực tế, cơ thể gần như không thể nhận được quá nhiều vitamin C từ chế độ ăn uống. Ở người khỏe mạnh, bất kỳ lượng vitamin C bổ sung nào được tiêu thụ vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày qua thực phẩm sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể dễ dàng.
Nguy cơ quá liều vitamin C xảy ra khi người dân dùng thực phẩm chức năng bổ sung, có thể tiêu thụ nhiều vitamin trong một số trường hợp. Ví dụ, người có tình trạng tăng nguy cơ thừa sắt hoặc dễ bị sỏi thận nên thận trọng với lượng vitamin C. Dùng vitamin C với liều lượng lớn hơn 2.000 mg sẽ dẫn đến tác dụng phụ.
Vitamin C nói chung an toàn cho hầu hết mọi người. Vitamin C sẽ phát huy hiệu quả, nếu nhận được từ thực phẩm, thay vì thực phẩm chức năng bổ sung. Những người sử dụng vitamin C ở dạng bổ sung có nguy cơ tiêu thụ quá nhiều, gặp tác dụng phụ, trong đó phổ biến nhất là các triệu chứng tiêu hóa, ứ sắt, sỏi thận.
Chuyên gia nhận định người dân nên bổ sung 90 mg vitamin C mỗi ngày cho nam giới và 75 mg với phụ nữ.
Trẻ 1-5 tuổi cần bổ sung 35mg vitamin C/ngày, trẻ 6-11 tuổi 40-45 mg/ngày, thanh thiếu niên 12-19 tuổi nên hấp thụ 60 mg/ngày, 20-29 tuổi cần 75 mg/ngày, 30-49 tuổi là 90 mg/ngày, người trên 50 tuổi cần 100 mg/ngày.
Hàm lượng vitamin C các độ tuổi cần bổ sung. Ảnh: Viện Dinh Dưỡng Quốc gia.
Nếu bị thiếu hụt vitamin C, người dân cần có thể dùng vitamin C liều cao dưới chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo việc dùng vitamin C cần tuân thủ theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Người dân không nên coi vitamin C như một loại thuốc bổ, hay một thứ thuốc làm mát trong mùa nắng nóng.
Nếu chọn bổ sung vitamin C, mỗi người nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C, tránh tình trạng hấp thụ quá nhiều gây ra các tác hại không mong muốn.