Hạ canxi máu hay còn gọi là "hội chứng xương đói" có thể gây co thắt cơ, chuột rút nghiêm trọng, loãng xương, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh.
Hạ canxi máu hay còn gọi là "hội chứng xương đói" (HBS) là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi hạ canxi máu mạnh và kéo dài, hạ phosphate huyết và thiếu hụt magiê máu. Đây là tình trạng khi nồng độ canxi huyết thanh giảm xuống dưới 8,8 mg/dl (< 2,2 mmol/l) trong khi nồng độ protein huyết tương bình thường, hoặc khi nồng độ canxi ion hóa huyết thanh < 4,7 mg/dl (< 1,17 mmol/l).
Canxi rất quan trọng đối với cơ thể, là chất dẫn truyền điện thế và thần kinh, tốt cho cơ bắp và giúp xương luôn chắc khỏe. Hạ canxi máu tùy mức độ sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cơ thể. Những người bị HBS thường gặp tình trạng yếu cơ, mệt mỏi và thiếu vitamin D.
Các triệu chứng khác của "hội chứng xương đói" liên quan đến hạ canxi máu và hạ phosphate huyết nghiêm trọng bao gồm: lú lẫn hoặc mất trí nhớ; co thắt cơ và chuột rút; tê và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân và mặt; móng tay yếu và dễ gãy; dễ gãy xương; đau xương; suy giảm cơ bắp; co giật; tiêu cơ vân, một hội chứng lâm sàng liên quan đến sự phá hủy mô cơ xương. Nếu không được điều trị, giảm phosphate huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Những người bị hạ canxi máu có thể gặp triệu chứng co thắt cơ và chuột rút. Ảnh: Healthline
Hạ canxi máu thường là một biến chứng nghiêm trọng của phẫu thuật cắt tuyến cận giáp hoặc cắt bỏ tuyến giáp (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp). Khoảng 13% những người trải qua phẫu thuật cắt tuyến cận giáp vì cường cận giáp nguyên phát (tuyến cận giáp hoạt động quá mức) sẽ phát triển "hội chứng xương đói". Dù các bác sĩ công nhận đây là một biến chứng của phẫu thuật tuyến giáp, nghiên cứu về tình trạng này còn rất hạn chế.
HBS được phát hiện ở kết quả chụp X-quang của 25-90% những người có bệnh xương tuyến cận giáp và 6% những người không mắc bệnh liên quan đến xương. Bệnh xương tuyến cận giáp xảy ra khi một trong các tuyến cận giáp hoạt động quá mức và có quá nhiều hormone tuyến cận giáp (PTH), khiến xương giải phóng quá nhiều canxi vào máu. Điều này làm giảm mật độ và độ cứng của xương.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu gặp các triệu chứng của hạ canxi máu, đặc biệt là sau phẫu thuật tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp. Những người bị HBS khi được thăm khám có thể cho thấy dấu hiệu gãy xương, dị dạng xương, sẹo phẫu thuật gần đây do cắt bỏ tuyến giáp hoặc tuyến giáp, chuột rút...
Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ canxi trong máu. Mức canxi thấp nghiêm trọng và dai dẳng dưới 8,4 mg/dL trong hơn 4 ngày sau khi phẫu thuật, cùng với giảm phosphate huyết, thường là đủ để chẩn đoán bị HBS. Nếu không được điều trị, HBS có thể gây ra các biến chứng bao gồm co giật, rối loạn nhịp tim, co thắt cơ, chuột rút nghiêm trọng, loãng xương và suy giảm chức năng vận động, suy giảm chức năng não, sỏi thận, suy thận...
Điều trị
Mục tiêu chính của việc điều trị HBS là bổ sung canxi, thường thông qua việc bổ sung canxi cùng vitamin D liều lượng cao và chất điện giải. Việc điều trị HBS được khuyến nghị bắt đầu với canxi nguyên tố từ 6 đến 12 gram/ngày. Canxi được truyền qua đường tĩnh mạch và sau đó chuyển sang dạng uống bổ sung.
Các bác sĩ thường trì hoãn việc điều trị mức magiê thấp vì việc bổ sung magiê có thể làm chậm tác dụng của việc bổ sung canxi. Việc điều trị giảm phosphat máu cũng thường bị trì hoãn cho đến khi nồng độ canxi được cải thiện vì những lý do tương tự. Cả mức magiê và phosphat đều có thể trở lại khi mức canxi được cân bằng.
Nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh nồng độ vitamin D cũng có thể làm giảm đáng kể tác động của hội chứng xương đói". Khôi phục vitamin D về mức bình thường có thể giúp cân bằng lượng canxi.
Ở một số người, "hội chứng xương đói" có thể kéo dài tới 9 tháng trước khi mức canxi trở lại bình thường. Có những trường hợp có thể mất nhiều thời gian hơn nếu HBS là do ung thư biểu mô tuyến cận giáp gây ra.