Mặc áo ngực có gọng, ăn đường gây ung thư, tất cả khối u ở ngực đều lác tính… là những quan niệm chưa đúng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm gần 12% số ca mới mỗi năm, với khoảng 2,3 triệu trường hợp. Phát hiện ung thư vú càng sớm thì khả năng sống sót càng cao.
Sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ ở mức độ nhất định. Nâng cao nhận thức về căn bệnh này cũng giúp nhiều phụ nữ có thể phòng tránh. Những lầm tưởng về ung thư vú có thể khiến chị em hiểu chưa đúng về bệnh. Medical News Today dẫn chia sẻ của Tiến sĩ Michael Zeidman (Đại học Y Icahn ở Mount Sinai, Mỹ) về ung thư vú để giải đáp cho mọi người.
Chấn thương vú có thể gây ung thư vú
Tổn thương ở vú không thể gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, nó có thể gây ra những thay đổi trông giống với khối u trên hình chụp X-quang tuyến vú. Quá trình này được gọi là hoại tử mỡ. Cách tốt nhất để phân biệt ung thư với hoại tử mỡ là sinh thiết bằng kim.
Áo ngực có gọng làm tăng nguy cơ ung thư vú
Mặc dù áo ngực có gọng không làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng Tiến sĩ Zeidman khuyến cáo phụ nữ nên chọn áo ngực không có gọng. Bởi loại áo ngực có gọng có thể gây kích ứng vùng da dưới vú, trầy xước, chảy máu... Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vú dẫn đến nhiễm trùng, áp xe hoặc cả hai.
Thụ tinh ống nghiệm làm tăng nguy cơ ung thư vú
Trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), các bác sĩ thường kê loại thuốc kích thích buồng trứng sản xuất trứng. Những loại thuốc này bắt chước hoạt động của estrogen. Một số người lo lắng rằng thuốc có thể khuyến khích sự phát triển của ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen.
Một phân tích tổng hợp công bố năm 2020 của các nghiên cứu trong 30 năm qua kết luận không có sự gia tăng nguy cơ ung thư vú đối với những phụ nữ được cắt buồng trứng, dùng thuốc kích thích buồng trứng so với những đối tượng khác.
Không bị ung thư vú nếu không có tiền sử gia đình mắc bệnh
"Những người mới được chẩn đoán ung thư vú nói với tôi rằng họ bị sốc. Họ nghĩ rằng không thể mắc bệnh vì trong gia đình không có ai bị bệnh này", tiến sĩ Zeidman nói.
Chỉ về 5-10% ung thư vú do đột biến gene di truyền trong gia đình. Điều này có nghĩa là phần lớn các trường hợp mắc căn bệnh này không có nguyên nhân di truyền. Yếu tố nguy cơ đáng kể nhất của ung thư vú là phụ nữ.
Vì tiền sử gia đình chỉ là một yếu tố nguy cơ nên việc tầm soát rất quan trọng. Phụ nữ từ 40 tuổi cần chụp X-quang tuyến vú hàng năm bất kể tiền sử gia đình có mắc căn bệnh này hay không. Những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng nên được chuyên gia tư vấn di truyền đánh giá ở độ tuổi 30. Nhóm phụ nữ này có thể cần bắt đầu tầm soát trước 40 tuổi.
Căng thẳng có thể gây ung thư vú
Cuộc sống hiện đại ngày càng căng thẳng, nhiều người lo lắng nó có thể dẫn đến ung thư. Theo tiến sĩ Zeidman, có bằng chứng chứng minh rằng căng thẳng không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, mọi người nên tìm cách giải tỏa căng thẳng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ung thư vú chỉ xảy ra với người lớn tuổi
Tiến sĩ Zeidman chia sẻ thêm, nguy cơ ung thư vú tăng lên khi phụ nữ già đi và độ tuổi trung bình chẩn đoán ung thư vú là 61 tuổi nhưng có thể xảy ra sớm hơn nhiều. Khoảng 5% các ca chẩn đoán mới là ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Những phụ nữ trẻ này thường có tiền sử gia đình mắc ung thư.
Mặc dù ung thư vú hiếm hơn ở những người trẻ tuổi nhưng nếu phụ nữ phát hiện những dấu hiệu bất thường cần thăm khám và làm theo hướng dẫn tầm soát của bác sĩ.
Tất cả các khối u ở vú đều là ung thư vú
Không phải tất cả các khối u ở vú đều ác tính. Phần lớn các khối u ở vú lành tính. Nếu kết quả chụp X-quang tuyến vú của bạn gần đây là bình thường thì tỷ lệ phần trăm đó thậm chí còn cao hơn. Tuy nhiên, khi phụ nữ nhận thấy khối u mới nào cũng nên được bác sĩ thăm khám, đánh giá.
Đau ngực do khối u có thể lành tính hoặc ác tính, cần thăm khám sớm. Ảnh: Shutterstock
Phá thai làm tăng nguy cơ ung thư vú
Sở dĩ một số người cho rằng phá thai làm tăng nguy cơ ung thư vú là vì nguy cơ ung thư vú có liên quan trực tiếp đến tiếp xúc với estrogen. Phá thai làm gián đoạn chu kỳ nội tiết tố bình thường của thai kỳ. Tiến sĩ Zeidman dẫn một nghiên cứu lớn ở Đan Mạch trên 1,5 triệu phụ nữ không tìm thấy mối liên hệ nào giữa phá thai và ung thư vú. Một số nghiên cứu quy mô lớn khác cũng đưa ra kết luận tương tự.
Khuyên núm vú làm tăng nguy cơ ung thư vú
Khuyên núm vú không làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, áp xe, khó cho con bú do các ống dẫn bị tắc nghẽn từ mô sẹo, tổn thương dây thần kinh, sẹo lồi, u nan. Ngoài ra, còn có các bệnh hiếm gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn do HIV và viêm gan B, C. Mọi người không xỏ khuyên núm vú, nếu đã thực hiện thì nên tháo nó ra.
Đường gây ung thư vú
Ăn nhiều đường dẫn đến tăng đột biến insulin, khiến cơ thể rơi vào trạng thái dễ bị viêm nhiễm. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và các bệnh viêm mạn tính khác. Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì - một yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh đường gây ung thư vú nhưng mọi người nên kiêng đường bổ sung càng nhiều càng tốt để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Đàn ông không bị ung thư vú
Mặc dù ung thư vú không phổ biến ở nam giới nhưng họ cũng có khả năng mắc căn bệnh này. Khoảng 1% trường hợp được chẩn đoán ung thư vú ở Mỹ là nam giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, có 2.300 trường hợp ung thư vú nam giới mới trong năm 2017 và 500 trường hợp tử vong. Yếu tố nguy cơ phổ biến của đàn ông là tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Đột biến của gene BRCA2 làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư vú ở nam giới mang gene này.
Chụp quang tuyến vú khiến ung thư vú lan rộng
Một số người nghĩ rằng việc ép khối ung thư bằng lực nén trong quá trình chụp nhũ ảnh hoặc thực hiện sinh thiết bằng kim vào khối ung thư sẽ khiến ung thư lây lan sang các bộ phận khác. Đây là một quan niệm sai lầm. Chụp X-quang tuyến vú sử dụng liều lượng bức xạ và nén rất thấp và không có mối liên hệ với việc gây ra ung thư vú.