Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng hoại tử xương sau khi nhiễm Covid-19 có thể liên quan đến thụ thể ACE2, thuốc corticoid hoặc hội chứng kích hoạt cytokine.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Covid-19 có tác động tới nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó cơ xương khớp là một trong những hệ cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nghiên cứu của Tiến sĩ Adam Sulewski, Đại học Khoa học Y khoa Poznan tại Ba Lan, và cộng sự báo cáo nhiều trường hợp bệnh nhân tại Ba Lan bị thoái hóa các khớp lớn và các đầu xương dài sau khi nhiễm Covid-19. Các kết quả MRI cho thấy hình ảnh nhồi máu và hoại tử xương vô mạch. Trong đó, các khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là khớp háng, khớp gối và thân xương cột sống. Các trường hợp hiếm gặp hơn là ở xương hàm mặt, xương thuyền cổ tay... Hoại tử vùng chỏm xương đùi được báo cáo nhiều nhất trong các bệnh nhân hoại tử xương hậu Covid-19. Một số trường hợp hoại tử xương nặng như hoại tử phần chỏm xương đùi khiến người bệnh đau đớn, gặp khó khăn trong sinh hoạt, cần can thiệp phẫu thuật thay khớp háng.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết hoại tử xương là tình trạng chết tổ chức tại chỗ ở các đầu xương, các lồi củ của xương dài. Một số trường hợp hoại tử xuất hiện ở xương nhỏ như xương bán nguyệt ở cổ tay.
Hoại tử xương là tình trạng chết tổ chức tại chỗ ở các đầu xương, các lồi củ của xương dài. Ảnh: Shutterstock
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp và hoại tử xương như hoại tử vùng chỏm xương đùi sau khi nhiễm Covid-19 vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng đa số đồng thuận với 3 giả thuyết chính.
Giả thuyết đầu tiên là sự suy giảm thụ thể ACE2, một thụ thể có vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình sinh cơ học của xương khớp. Các nghiên cứu cho thấy virus xâm nhập cơ thể qua việc gắn kết với thụ thể ACE2. Việc suy giảm thụ thể ACE2 dẫn đến cơ thể không thể phá vỡ các protein ANG II, một chất gây viêm nặng dẫn đến tổn thương đầu tiên xuất hiện ở phổi và hệ hô hấp. Theo diễn tiến của bệnh, việc suy giảm ACE2 xảy ra tiếp ở các xương khớp dẫn đến tình trạng viêm xương khớp, viêm khớp phản ứng...
Các tổn thương xương khớp được báo cáo thường xảy ra sau 1-3 tuần sau nhiễm Covid-19. Các tổn thương này có thể nhẹ như viêm khớp phản ứng đáp ứng tốt với thuốc nhưng đôi khi diễn tiến nặng gây hoại tử xương nặng buộc bệnh nhân phải phẫu thuật thay khớp.
Giả thuyết thứ hai cho rằng việc sử dụng thuốc corticoid liều cao trong điều trị Covid-19 là nguyên nhân gây ra tình trạng hoại tử xương vô mạch. Corticoid thúc đẩy việc tắc các mạch máu nhỏ nuôi xương, dẫn đến hoại tử xương. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, corticosteroids được xem là vũ khí chính vì các bác sĩ cho rằng thuốc này giúp ngăn chặn "cơn bão cytokine" và các hệ lụy như suy hô hấp cấp, tăng nguy cơ đông máu, shock, thậm chí tử vong. Báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Arab cho thấy có sự liên quan giữa việc dùng corticosteroid trong điều trị và tình trạng hoại tử xương hậu Covid-19.
Giả thuyết thứ ba lại cho rằng hội chứng kích hoạt cytokine khi nhiễm virus nCoV làm tăng đông máu. Điều này dẫn đến hình thành các cục máu đông gây tắc các mạch máu nhỏ nuôi đầu xương. Xương thiếu nguồn cung cấp dưỡng chất và oxy sẽ bị hoại tử.
Bác sĩ Khoa cho biết, biểu hiện đầu tiên của hoại tử xương hay viêm khớp phản ứng hậu Covid-19 là đau nhức tại các khớp bị ảnh hưởng. Các bệnh nhân hoại tử xương đến với BVĐK Tâm Anh đều ghi nhận có cơn đau dai dẳng và mức độ tăng lên khi vận động. Một số ít trường hợp có biểu hiện viêm đỏ da vùng khớp bị ảnh hưởng. Khi gặp các trường hợp này, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu, để đánh giá tình trạng viêm của khớp, xét nghiệm miễn dịch HLA B27. Hình ảnh học như X-quang, siêu âm khớp có thể cho thấy dấu hiệu tổn thương xương khớp trong những giai đoạn nặng. MRI vẫn là hình ảnh học có giá trị nhất trong chẩn đoán mức độ hoại tử xương.
Việc điều trị tùy vào giai đoạn của bệnh, những trường hợp viêm khớp phản ứng hay thoái hóa khớp sớm đáp ứng tốt với điều trị thuốc hay vật lý trị liệu. Các trường hợp hoại tử xương nặng sẽ cần phẫu thuật can thiệp xâm lấn để lấy bỏ vùng xương hoại tử, hàn khớp hoặc thay khớp.
Bác sĩ Khoa nói thêm, hoại tử chỏm xương đùi thường gặp nhất ở các bệnh nhân bị hoại tử xương. Người bệnh đau đớn, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Các trường hợp hoại tử nặng cần can thiệp phẫu thuật thay khớp háng. Tuy nhiên tâm lý nhiều bệnh nhân vẫn e ngại thay khớp háng do lo sợ thời gian phục hồi lâu, đau đớn, khó trở lại với các hoạt động bình thường và hạn chế nhiều tư thế trong sinh hoạt.
Hiện Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng kỹ thuật thay khớp háng SuperPath với đường mổ ngắn, không cắt cơ, thời gian mổ được rút ngắn, ít mất máu, nên bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Thông thường, sau mổ khoảng một ngày, người bệnh đã có thể đi lại bình thường mà không gây đau đớn như trước.