Những người thừa cân, béo phì có thể đối mặt với nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp do sụn, xương bị hao mòn, phá hủy.
Theo nghiên cứu, chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 5 đơn vị có liên quan đến việc tăng 35% nguy cơ viêm khớp gối và 11% nguy cơ viêm khớp háng. Các chuyên gia ước tính, có đến 69% ca phẫu thuật thay khớp gối và 27% ca thay khớp háng là do béo phì, thừa cân. Yếu tố cơ học được cho là tác động chính của thừa cân, béo phì đến hệ thống khớp xương, đặc biệt là vị trí chịu tải trọng lớn như khớp gối, khớp háng.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết cứ khoảng 4,54 kg (10 pound) trọng lượng dư thừa, khớp gối sẽ phải gánh chịu trọng lực 13,6-27,2 kg (30-60 pound) mỗi bước đi. Còn nếu thừa 45,4kg, mức trọng lực dồn lên khớp gối là 136-272 kg. Tải trọng tăng theo cấp số nhân khi cơ thể bị thừa cân, béo phì gây căng thẳng quá mức lên khớp, khiến sụn và xương dưới sụn dễ bị hao mòn và tổn thương trong khi vận động, từ đó đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp.
Người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Ảnh: Shutterstock
Bên cạnh yếu tố cơ học, tình trạng viêm mãn tính mức độ thấp cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp ở người thừa cân. Các tế bào mỡ trắng liên tục giải phóng ra chất tiền viêm (cytokine), điển hình là TNF-α, Interleukin (IL)-6... từ đó kích hoạt phản ứng viêm ở khắp cơ thể, bao gồm cả hệ thống khớp xương. Trọng lượng cơ thể càng tăng, hàm lượng các chất tiền viêm được sản xuất ra càng nhiều, thúc đẩy phản ứng viêm ngày một nghiêm trọng. Quá trình viêm diễn ra tại khớp khiến chất lượng dịch khớp giảm sút, đồng thời phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn, gia tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp, Thạc sĩ Trần Anh Vũ phân tích thêm.
Do đó, cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp, viêm khớp cho những người bị thừa cân, béo phì chính là giảm tải trọng lên khớp và kiểm soát quá trình viêm tại khớp thông qua kế hoạch giảm cân an toàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành có chỉ số BMI 25-29,9 là thừa cân, BMI trên 30 là béo phì. Để đưa chỉ số khối cơ thể về mức lý tưởng, tức BMI trong khoảng 18,5-24,9, cần áp dụng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao khoa học.
Về dinh dưỡng, người giảm cân nên đảm bảo lượng calo nạp vào là 1.500 calo mỗi ngày đối với nữ giới và 2.000 calo mỗi ngày đối với nam giới. Thay vì tiêu thụ đồ ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh, mọi người nên xây dựng thực đơn lành mạnh với cá hồi, thịt ức gà, trứng, trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, bánh mì nguyên cám, gạo lứt... Những thực phẩm này giàu protein, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhưng lại chứa ít calo và chất béo sẽ giúp giảm cân hiệu quả.
Trong thời gian giảm cân, tuyệt đối không dự trữ đồ ăn vặt, chẳng hạn như chocolate, bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên và đồ uống có ga tại nhà hoặc nơi làm việc. Mẹo hay cho người giảm cân là hãy dùng chén có kích cỡ nhỏ để dễ dàng làm quen với khẩu phần ăn ít hơn mà không bị đói. Cuối cùng, ăn chậm và ăn vừa đủ no (không ăn quá no) sẽ giúp mọi người thuận lợi đạt đến cân nặng tiêu chuẩn.
Về tập luyện, nên tìm một hoạt động mà bản thân yêu thích để theo đuổi lâu dài.Một số lựa chọn phù hợp với người giảm cân gồm nâng tạ, đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội... Những bộ môn này không chỉ có lợi cho việc giảm cân nặng dư thừa mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo Thạc sĩ Anh Vũ, giảm cân an toàn là một quá trình lâu dài nên mọi người cũng cần kết hợp bổ sung dưỡng chất chuyên biệt cho khớp, giúp khớp khỏe từ bên trong như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... Bộ dưỡng chất này có tác dụng điều hòa miễn dịch, ức chế các yếu tố tiền viêm (TNF-α, interleukin 1, interleukin 6...) giúp bảo vệ màng hoạt dịch, sụn khớp và xương dưới sụn, giảm tổn thương cấu trúc khớp, đảm bảo chức năng vận động cho khớp xương trong suốt thời gian giảm cân khắc nghiệt.
Thạc sĩ Anh Vũ lưu ý, người bị thừa cân, béo phì có biểu hiện đau nhức, căng cứng hoặc tê mỏi khớp, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nên đến chuyên khoa cơ xương khớp của bệnh viện uy tín thăm khám. Thông qua kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách giảm cân phù hợp với tình trạng xương khớp hiện tại, tránh tổn thương khớp nặng thêm.