Ăn chất béo sẽ khiến cơ thể tăng cân, tất cả calo đều giống nhau, người béo khôngkhỏe bằng người gầy là những quan niệm sai khi giảm cân.
Theo Healthline, để giảm cân hiệu quả bạn nên tìm hiểu các phương pháp dựa trên bằng chứng khoa học, phù hợp với sở thích ăn uống, lối sống của bản thân. Mỗi người nên trang bị kiến thức, tránh những sai lầm dưới đây để duy trì cân nặng như mong muốn.
Tất cả calo đều như nhau
Calo là một phép đo năng lượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả nguồn calo đều tác động giống nhau đến cân nặng. Các loại thực phẩm khác nhau có quá trao đổi chất, những tác động khác nhau đến cảm giác đói, hormone điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một calo protein không giống như calo chất béo hoặc carb.
Việc thay thế carb và chất béo bằng protein có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn, đồng thời tối ưu hóa chức năng của một số hormone điều chỉnh cân nặng. Ngoài ra, calo từ thực phẩm toàn phần như trái cây có xu hướng no hơn nhiều so với calo từ thực phẩm tinh chế.
Carb khiến cơ thể béo lên
Chế độ ăn kiêng low-carb rất hiệu quả để giảm cân. Tuy nhiên, carb không phải là nguyên nhân gây béo phì. Thực phẩm toàn phần, một thành phần dựa trên carb tốt cho sức khỏe. Để duy trì cân nặng ổn định, bạn nên giữ lượng carb thấp và lượng protein cao. Mặt khác, carb tinh chế như ngũ cốc tinh chế và đường chắc chắn có liên quan đến việc tăng cân.
Giảm cân cần có kế hoạch, kiến thức đúng. Ảnh: Freepik
Ăn ít và di chuyển nhiều hơn
Chất béo trong cơ thể chỉ đơn giản là năng lượng dự trữ. Để giảm mỡ, bạn cần đốt cháy nhiều calo hơn lượng calo nạp vào. Tuy nhiên, việc hạn chế lượng thức ăn và tăng cường hoạt động thể chất là chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng, hướng dẫn người bị béo phì ăn ít, vận động nhiều hơn cũng giống như bảo người bị trầm cảm vui lên hoặc người nghiện rượu hãy uống ít hơn, không có tác dụng lâu dài. Để giảm cân thành công, mỗi người cần có sự thay đổi lớn và bền vững trong quan điểm, hành vi để giảm cân bằng chế độ ăn uống và tập luyện.
Ăn sáng là cần thiết để giảm cân
Các nghiên cứu cho thấy những người bỏ bữa sáng có xu hướng nặng hơn những người ăn sáng. Tuy nhiên, điều này có lẽ do những người ăn sáng có nhiều thói quen sống lành mạnh khác. Một nghiên cứu kéo dài 4 tháng ở 309 người trưởng thành đã so sánh thói quen ăn sáng, bỏ bữa sáng. Các chuyên gia không tìm thấy những thay đổi về cân nặng ở hai nhóm.
Thức ăn nhanh luôn khiến cơ thể tăng cân
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, không phải tất cả đồ ăn nhanh đều không tốt cho sức khỏe. Do ý thức về sức khỏe của người dân được nâng cao, nhiều chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh bắt đầu cung cấp nhiều lựa chọn lành mạnh hơn.
Khi chọn thực phẩm, bạn chú ý xem thành phần, chọn sản phẩm phù hợp với sức khỏe. Những thực phẩm này có thể không đáp ứng nhu cầu của mọi cá nhân quan tâm đến sức khỏe nhưng chúng vẫn là một lựa chọn phù hợp nếu bạn không có thời gian để ấu một bữa ăn lành mạnh.
Người béo phì không khỏe mạnh bằng người gầy
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhiều người bị béo phì vẫn khỏe mạnh, trao đổi chất tốt. Ngược lại, nhiều người gầy vẫn mắc các bệnh mạn tính tương tự.
Chất béo khiến cơ thể béo lên
Chất béo rất giàu calo, phổ biến trong đồ ăn vặt. Tuy nhiên, khi cơ thể duy trì lượng calo nằm trong mức lành mạnh, chất béo sẽ không khiến bạn tăng cân. Ngoài ra, trong nhiều nghiên cứu cho biết chế độ ăn giàu chất béo lành mạnh nhưng ít carb được chứng minh có thể làm giảm cân, giúp cơ thể hoạt động bình thường.