Chúng ta luôn cho rằng trái cây là thực phẩm tốt cho sức khỏe nên cần ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, sự thật là trái cây chỉ tốt nếu chúng ta ăn đúng cách.
Đúng là trái cây rất cần thiết cho chế độ dinh dưỡng hằng ngày ở mọi lứa tuổi. Nó cũng là thực phẩm tự nhiên và lành mạnh, giàu dinh dưỡng và còn có thể ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Nhưng nếu ăn sai cách thì không chỉ uổng phí mà còn có thể phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe.
Sau đây là 4 sai lầm phổ biến khi ăn trái cây mà rất nhiều người thường mắc phải:
1. Uống nước ép trái cây thay vì ăn miếng
Nước ép trái cây có thể là một lựa chọn để giải khát nhưng chúng không mang đến giá trị dinh dưỡng cao như khi ăn trực tiếp. Một số loại trái cây sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng khi bị ép thành nước. Bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng cách ép một vài loại hoa quả cùng nhau nhưng tốt hơn hết là nên ăn trái cây trực tiếp.
Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy những người uống một hoặc nhiều ly nước ép trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 21%. Trẻ em có hệ tiêu hóa còn non nớt dễ không dung nạp đường fructose, làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy.
Vì trái cây có chứa đường fructose, và đường fructose trong trái cây sẽ dễ dàng hấp thụ hơn bằng cách ép trái cây thành nước trái cây. Chất lỏng được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn chất lỏng, huyền phù và chất rắn, vì vậy một khi trái cây được ép trái cây, đường fructose sẽ được hấp thụ nhanh hơn và nhiều hơn.
2. Ăn trái cây sai thời điểm
Dù trái cây có tốt thì không phải lúc nào cũng có thể ăn. Có 2 thời điểm không phù hợp để ăn trái cây, thậm chí gây hại cho sức khỏe là:
Ăn trái cây khi đói
Trái cây không phải là loại thực phẩm lý tưởng để ăn khi đói. Bởi lúc này, lượng axit có trong trái cây sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Ăn trái cây khi bụng rỗng còn có thể làm bạn gặp tình trạng cồn cào ruột. Đặc biệt là với hồng, chuối, cam, quýt, táo gai… mà lúc đói bụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi, dễ hình thành sỏi hoặc thậm chí gây ngộ độc.
Ăn trái cây sau bữa ăn để tráng miệng
Đây là thói quen của rất nhiều người, nhưng nếu xét dưới góc độ y học thì đó là thói quen gây hại cho sức khỏe. Ăn trái cây sau khi dùng bữa ăn chính sẽ gây rối loạn chức năng tiêu hóa, có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng. Hơn nữa, nếu ăn cơm no rồi ăn thêm trái cây ngọt thì lượng đường tổng cộng trong bữa ăn sẽ tăng, đường huyết tăng cao và nhanh, không có lợi cho sức khoẻ, nhất là người bị đái tháo đường.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ Subah Jain Saraf, thời điểm lý tưởng nhất để ăn trái cây là trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Bạn cũng có thể ăn chúng vào bữa phụ hoặc sau bữa chính ít nhất 30 - 60 phút.
3. Ăn trái cây như bữa chính để giảm cân
Ngày nay, rất nhiều người chọn trái cây làm thực phẩm giảm cân. Tuy nhiên, trái cây chỉ có thể trở thành phương pháp hỗ trợ giảm cân lành mạnh nếu ăn đúng cách, đủ lượng chứ không phải để dùng thay cho thực phẩm chính.
Chuyên gia dinh dưỡng Subah Jain Saraf khuyến cáo, đây là thói quen đi ngược lại quy tắc giảm cân lành mạnh. Thứ nhất, trái cây thiếu protein và axit béo thiết yếu cho cơ thể. Thiếu protein khiến cơ bắp không thể phục hồi và tái tạo. Thiếu axit béo thiết yếu có thể cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng, gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch.
Thứ hai, trái cây chứa lượng đường cao hơn một số loại thịt và rau thường dùng trong bữa chính. Nên nếu ăn quá nhiều trái cây có thể gây dư thừa đường, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm ảnh hưởng đến kết quả giảm cân.
Nếu trong chế độ giảm cân, bạn chỉ ăn các loại trái cây và rau xanh thì trước khi đạt được hiệu quả giảm cân, bạn sẽ phải đối mặt với những hệ lụy sức khỏe như: hạ đường huyết, thiếu chất, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
4. Rửa và bảo quản trái cây sai cách
Có rất nhiều sai lầm trong việc làm sạch trái cây nhưng phổ biến nhất là rửa hoặc ngâm trái cây quá lâu trong nước muối. Nhiều người cho rằng như vậy sẽ làm sạch được hết hóa chất, bụi bẩn và giữ trái cây tươi lâu hơn.
Tuy nhiên, nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, không thể loại bỏ hóa chất. Chưa kể, ngâm hoa quả trong nước muối đậm đặc quá lâu có thể gây mất chất, làm hoa quả mất ngon, thậm chí, làm chất bẩn thẩm thấu ngược lại.
Hay 1 sai lầm điển hình khác là không dùng dao riêng để cắt gọt trái cây. Nếu bạn dùng chung dao nhà bếp để cắt thực phẩm khác với trái cây, khả năng lượng vi khuẩn và ký sinh trùng trên dao xâm nhập khi ăn chúng là rất cao.
Cũng không nên gọt sẵn trái cây để trong tủ lạnh. Bởi vì dinh dưỡng, vitamin… trong trái cây sẽ mất đi nhanh hơn dưới tác động của ánh sáng, không khí và nhiệt độ. Chưa kể, sau khi gọt vỏ khiến trái cây dễ nhiễm khuẩn khi để trong tủ lạnh. Do vậy nên ăn trái cây ngay sau khi gọt vỏ để giữ trọn dinh dưỡng và đảm bảo an toàn bạn nhé!
VietBF @ Sưu tầm