Đầy hơi là tình trạng tích tụ khí trong hệ tiêu hóa có thể dẫn đến khó chịu ở bụng. Hiện tượng này thường xảy ra do ăn một số loại thực phẩm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý đường tiêu hóa.
1. Nguyên nhân gây đầy hơi
Theo ThS. BS Nguyễn Tấn Phúc, chuyên khoa Tiêu hóa, đầy hơi có thể là kết quả của các quá trình bình thường của cơ thể hoặc nó có thể xuất phát từ một tình trạng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nguồn ngoại sinh là những nguồn đến từ bên ngoài. Do chúng ta nuốt không khí khi ăn, nuốt nước bọt, đặc biệt là khi tiết quá nhiều nước bọt, do buồn nôn hoặc trào ngược axit.
Nguồn nội sinh nằm bên trong ruột. Khí có thể phát sinh như một sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa một số loại thức ăn hoặc khi thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn.
Nếu bất kỳ thức ăn nào không được dạ dày hoặc ruột non tiêu hóa hoàn toàn, đầy hơi có thể xảy ra khi đến ruột già.
Đầy hơi là tình trạng tích tụ khí trong hệ tiêu hóa có thể dẫn đến khó chịu ở bụng.
Một số loại thực phẩm có thể gây ra chứng đầy hơi, bao gồm các loại rau như atisô, bông cải xanh, tỏi tây, súp lơ trắng, bắp cải, tỏi, hành tây, củ cải, các loại đậu, sản phẩm từ sữa, hạt điều…
Đậu: Carbohydrate phức tạp trong đậu rất khó tiêu hóa. Chúng được tiêu hóa bởi các vi sinh vật trong ruột, chúng tạo ra khí mê-tan. Khi các carbohydrate phức tạp đến ruột dưới, vi khuẩn sẽ ăn chúng và tạo ra khí.
Chất làm ngọt nhân tạo: Sorbitol và mannitol có trong kẹo, kẹo cao su và thức ăn ngọt không đường. Một số người bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc cả hai khi họ tiêu thụ những chất này.
Bổ sung chất xơ: Bổ sung quá nhiều hoặc quá nhanh chất xơ vào chế độ ăn uống có thể gây đầy hơi, khó chịu ở bụng.
Đồ uống có gas: Đồ uống có gas và bia có thể gây tích tụ khí trong đường ruột gây đầy hơi sau khi uống.
Các tình trạng sức khỏe có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đầy hơi như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, một số loại ung thư có thể dẫn đến tắc nghẽn trong ruột, sỏi mật, viêm túi mật, táo bón, không dung nạp lactose, viêm dạ dày ruột, các bệnh nhiễm trùng đường ruột do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong hệ tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm có thể gây tích tụ khí.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột dẫn đến đầy hơi. Sử dụng thường xuyên và quá nhiều thuốc nhuận tràng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đầy hơi…
2. Nên ăn gì khi bị đầy hơi?
Theo BS. Nguyễn Tấn Phúc, trong hầu hết các trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát lượng tình trạng đầy hơi quá mức.
Trước hết chúng ta có thể tránh bị đầy hơi bằng cách không ăn các loại thực phẩm như đã nói ở trên và thay bằng các thực phẩm chứa carbohydrate dễ tiêu hóa hơn như: chuối, trái cây họ cam quýt, nho, dứa, kiwi, đu đủ, gừng, bạc hà, sữa chua…
- Theo nghiên cứu, gừng có thể kích thích nhu động của đường tiêu hóa giúp làm giảm táo bón, đầy hơi và chướng bụng.
- Bạc hà có chứa một hợp chất hữu cơ gọi là l-menthol có tác dụng giảm co thắt dạ dày và ruột kết, thư giãn các cơ của đường tiêu hóa và có khả năng làm dịu cơn đau bụng và đầy hơi.
- Dứa có chứa một loại enzyme gọi là bromelain hỗ trợ quá trình tiêu hóa protein. Tuy vẫn cần có thêm nghiên cứu về tác dụng của bromelain đối với rối loạn tiêu hóa nhưng việc ăn dứa tươi vẫn có vẻ hiệu quả và an toàn khi bạn có biểu hiện đầy hơi.
- Kiwi rất giàu kali, một chất điện phân quan trọng giúp thúc đẩy bài tiết natri ra khỏi cơ thể. Natri giữ lại khiến cơ thể giữ nước, có thể góp phần gây đầy hơi. Do đó, một chế độ ăn giàu kali có thể giúp giảm đầy hơi chướng bụng liên quan đến việc giữ nước.
- Giống như kiwi, chuối cũng chứa nhiều kali giúp giảm đầy hơi chướng bụng liên quan đến việc giữ nước. Chuối cũng giàu chất xơ hòa tan có thể làm cho phân mềm hơn, giúp cải thiện táo bón và đầy hơi hiệu quả.
- Giống như dứa, đu đủ sở hữu một loại enzyme gọi là papain giúp phân hủy protein trong quá trình tiêu hóa. Đu đủ là một nguồn chất xơ thân thiện có thể thúc đẩy đi tiêu đều đặn và có khả năng giảm đầy hơi.
- Thực phẩm lên men như sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi hỗ trợ tiêu hóa. Lợi khuẩn có trong sữa chua đã được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích cũng như tiêu chảy ở một số người.
3. Mẹo ăn uống giúp cải thiện chứng đầy hơi
Ăn nhiều bữa nhỏ: Triệu chứng đầy hơi thường cải thiện nếu chúng ta ăn 4-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, thay vì ba bữa chính với lượng thức ăn nhiều hơn.
Ăn chậm, nhai kỹ: Quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng, vì vậy thức ăn cần được nhai kỹ trước khi nuốt.
Tránh kẹo cao su và đồ uống có gas: Nhai kẹo cao su khiến chúng ta nuốt nhiều không khí hơn. Điều này có thể làm tăng đầy hơi.
Không hút thuốc: Hút thuốc khiến mọi người nuốt nhiều không khí hơn, và nó cũng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa.
Chọn các sản phẩm sữa có hàm lượng lactose thấp: Loại bỏ thực phẩm chứa nhiều lactose có thể cải thiện các triệu chứng đầy hơi.
Chọn đậu lên men: Loại đậu này có ít chất xơ hòa tan hơn và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và có thể giảm đầy hơi.
Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, và điều này có thể giúp giảm đầy hơi và chướng bụng hiệu quả.