Ít ai biết được vào năm 15 tuổi, Cristiano Ronaldo mắc phải một căn bệnh rất nguy hiểm.
Cristiano Ronaldo là một trong những cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới. Anh vụt sáng trở thành ngôi sao vào năm 2003, khi ký hợp đồng với một trong những câu lạc bộ đắt giá nhất nước Anh - Manchester United.
Ronaldo nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong bóng đá, giành được danh hiệu tiền đạo xuất sắc nhất.
Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 với Daily Mail, bà Dolores Aveiro - mẹ của Ronaldo tiết lộ rằng, con trai mình từng trải qua một cuộc phẫu thuật tim, suýt phải giã từ sự nghiệp bóng đá.
“Tim của Ronaldo đập mạnh dù không chạy nhanh. Bác sĩ sử dụng 1 tia laser để tìm nguyên nhân, sau đó Ronaldo nhanh chóng được đưa đi phẫu thuật.
Trước khi biết chính xác Ronaldo mắc bệnh gì, tôi rất lo lắng liệu con trai mình có khả năng phải từ bỏ bóng đá không. Tuy nhiên, việc điều trị diễn ra tốt đẹp, vài ngày sau ca phẫu thuật Ronaldo đã có thể tập luyện trở lại”, mẹ của Ronaldo nhớ lại.
Được biết, Ronaldo mắc bệnh nhịp tim nhanh, điều này khiến tim anh đập nhanh hơn nhiều so với người bình thường.
Nhịp tim nhanh là căn bệnh nguy hiểm như thế nào?
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nhịp tim nhanh có nghĩa là tình trạng tim đập quá nhanh.
Đối với người lớn, nếu tim đập hơn 100 nhịp mỗi phút sẽ được cho là quá nhanh. Tùy vào tình trạng nhịp tim của mỗi người sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ suy tim, ngừng tim đột ngột, đột quỵ và thậm chí gây tử vong.
Căn bệnh khiến cho Cristiano Ronaldo suýt phải giã từ sự nghiệp bóng đá - 3
Một số loại nhịp tim nhanh phổ biến bao gồm:
1. Nhịp nhanh xoang
Nhịp nhanh xoang đề cập đến nhịp tim nhanh hơn bình thường nhưng với nhịp điệu đều đặn. Điều này có thể do căng thẳng tinh thần hoặc thể chất, sốt, sử dụng một số loại thuốc và một số vấn đề sức khỏe.
2. Nhịp nhanh nhĩ, rối loạn nhịp trên thất
Loại nhịp tim nhanh này đề cập đến nhịp tim tăng tốc diễn ra trong buồng tim phía trên. Nó dẫn đến các đợt tim đập nhanh, bắt đầu và kết thúc đột ngột.
3. Rung tâm nhĩ
Đây là loại nhịp tim nhanh phổ biến nhất, có liên quan đến các tín hiệu điện không đều trong buồng tim phía trên (tâm nhĩ), dẫn đến tim đập nhanh.
4. Cuồng động nhĩ
Nó tương tự như rung tâm nhĩ nhưng với nhịp tim ổn định hơn.
5. Nhịp nhanh thất
Loại này bắt đầu ở các buồng tim phía dưới (tâm thất), có liên quan đến các tín hiệu tim bất thường, gây ra bởi các vấn đề tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.
6. Rung thất
Rung thất đề cập đến các tín hiệu điện hỗn loạn khiến tâm thất rung lên. Đây là một rối loạn tim nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng và tử vong trừ khi nhịp tim được phục hồi.
Vì nhịp tim nhanh có thể khiến tim đập nhanh hơn mức bình thường nên nó có thể không cho phép tim bơm đủ máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như tức ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, tim đánh trống liên hồi.
Để điều trị nhịp tim nhanh, trước tiên người ta phải dùng điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) để đo hoạt động điện của tim. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên theo dõi nhịp tim của mình tại nhà với sự trợ giúp của máy điện tâm đồ di động.
Một cách khác để chẩn đoán tình trạng này là thông qua siêu âm tim, sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim đang chuyển động.
Các cách khác bao gồm chụp CT, chụp mạch vành, kiểm tra và lập bản đồ EP hoặc một bài kiểm tra căng thẳng đơn giản.
Một số quy trình phòng ngừa bao gồm cắt bỏ qua ống thông, đặt máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim cấy ghép (ICD), hoặc phẫu thuật tim. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.