Ngoài ảnh hưởng đến mắt, việc sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ còn gây nên rất nhiều tác hại khôn lường đến sức khỏe.
Tiểu Linh có thói quen mỗi ngày trước khi đi ngủ đều thích tắt đèn và nằm nghịch điện thoại. Một hôm, cô cảm thấy trước mặt có rất nhiều đốm đen nhỏ bay lượn làm cản tầm nhìn.
Khi những bóng đen bao phủ ngày càng lớn, Tiểu Linh phát hiện ra rằng mắt trái của mình đột nhiên không thể nhìn thấy được, nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cô lập tức đi khám.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện mắt trái của Tiểu Linh bị bong võng mạc và thị lực dần biến mất. Nguyên nhân là do Tiểu Linh đã chơi điện thoại di động trong bóng tối một thời gian dài.
Sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ đã trở thành thói quen của ngày càng nhiều người. Theo "Sách trắng về giấc ngủ của cư dân mạng Internet Trung Quốc năm 2018", gần 90% cư dân mạng đã quen với việc dùng điện thoại di động trước khi đi ngủ, với thời gian trung bình là 65 phút.
Giáo sư Huang Zhongwei từ Khoa Nhãn khoa của Bệnh viện Liên kết 1 Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc cho rằng, màn hình điện thoại di động quá tối hoặc quá sáng đều không tốt cho sức khỏe của mắt, vì ánh sáng mạnh có thể gây khó chịu cho mắt và màn hình quá tối có thể dễ gây mỏi thị giác. Đặc biệt, ánh sáng từ màn hình điện thoại di động có chứa ánh sáng xanh xuyên thấu mạnh, có thể làm hỏng võng mạc.
Ngoài tác động tiêu cực đến mắt, các nhà khoa học cũng chứng minh, việc sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ còn gây nên rất nhiều tác hại khôn lường đến sức khỏe. Cụ thể:
Đẩy nhanh quá trình lão hóa
Trong một nghiên cứu liên quan, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon đã so sánh mức độ chất chuyển hóa ở ruồi giấm được giữ trong bóng tối hoàn toàn với những con được tiếp xúc với ánh sáng xanh trong hai tuần, sau đó phát hiện các tế bào não đã giảm mức glutamate, mức glutamate thấp có thể làm giảm chức năng não và dẫn đến lão hóa sớm.
Do hóa chất truyền tín hiệu trong tế bào người tương tự như ở ruồi giấm nên những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh từ điện thoại di động và máy tính có thể bị lão hóa nhanh hơn.
Lão hóa da
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng so với tia cực tím, ánh sáng xanh có bước sóng dài hơn và có thể xâm nhập sâu vào da, gây tổn thương oxy hóa DNA của tế bào, làm giảm sản xuất elastin và collagen, dẫn đến da thô ráp và lỗ chân lông to.
Ngoài ra, ánh sáng xanh còn có thể gây ra hắc tố da khiến da xỉn màu, đen sạm và xuất hiện nhiều mụn.
Ảnh hưởng đến thị lực
Yang Xubo, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Tây Trung Quốc, đã đề cập rằng việc nhìn vào điện thoại di động vào ban đêm sẽ khiến sự chênh lệch giữa độ sáng của điện thoại di động và độ sáng xung quanh trở nên lớn hơn, dễ làm hỏng chức năng của mắt, gây mỏi thị giác, dễ bị khô mắt, giảm thị lực, các triệu chứng như nhìn mờ vật thể, dị vật, sợ ánh sáng và chảy nước mắt.
Tổn thương cột sống cổ
Sử dụng điện thoại cùng một tư thế trong thời gian dài sau khi tắt đèn vào ban đêm dễ ảnh hưởng đến chức năng của cột sống cổ. Thoái hóa đốt sống cổ dễ gặp các triệu chứng như cột sống cổ đau nhức, ê ẩm, tê mỏi và nôn mửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Giảm chất lượng tinh trùng
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Giấc ngủ và Mệt mỏi tại Trung tâm Y tế Assuta, Israel cho thấy việc sử dụng các thiết bị điện tử phát sáng vào ban đêm có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả nồng độ và khả năng di chuyển của tinh trùng đều có mối liên hệ nghịch với những người đàn ông sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng vào ban đêm.
Sóng điện thoại có làm tăng nguy cơ ung thư?
Sau khi dùng điện thoại vào ban đêm, thói quen của nhiều người là để điện thoại di động ở đầu giường. Điều này dấy lên nhiều tin đồn cho rằng điện thoại di động để trên đầu giường sẽ gây ra bức xạ và ung thư.
Bức xạ là vật thể bức xạ năng lượng bằng cách giải phóng các hạt hoặc sóng điện từ, theo cường độ bức xạ có thể chia bức xạ thành bức xạ ion hóa và bức xạ không ion hóa. Trong số đó, bức xạ ion hóa thường chỉ có trên lò phản ứng hạt nhân, nguyên tố phóng xạ, vũ khí hạt nhân và các chất khác, một khi con người tiếp xúc với bức xạ ion hóa sẽ gây ung thư, thậm chí tử vong; bức xạ không ion hóa không mạnh, ánh sáng, tia hồng ngoại, tia cực tím, vi sóng, sóng điện từ do các thiết bị gia dụng tạo ra đều là bức xạ không ion hóa.
Bức xạ do điện thoại di động tạo ra thuộc loại bức xạ không ion hóa. Mặc dù sóng điện từ tần số vô tuyến bao gồm cả bức xạ điện thoại di động được phân loại là chất gây ung thư 2B, có thể gây ung thư nhưng còn thiếu bằng chứng, ví dụ như lợn, cừu và thịt bò quen thuộc cũng là chất gây ung thư 2B. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy bức xạ điện thoại làm tăng nguy cơ ung thư.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của bức xạ điện thoại di động đối với cơ thể con người, nhưng vẫn chưa có bằng chứng xác thực cho thấy nó làm tăng nguy cơ ung thư ở người.