Đột qụy là tình trạng xảy ra khi mạch máu cung cấp oxy cho não bị tắc nghẽn hoặc ngừng hoạt động, gây thiếu oxy và tổn thương não.
Theo nghiên cứu, ở Việt Nam mỗi năm trung bình khoảng 200.000 người bị đột quỵ, và ngày càng trẻ hoá. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài. Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nguy cơ mắc phải ở mỗi người là khác nhau. Bệnh này cũng có những triệu chứng rất phổ biến ở những người bị đột quỵ nhưng thường xuyên bị bỏ qua.
Việc nhận biết được và phản ứng với các triệu chứng đột quỵ là điều cần thiết vì thời gian sống sót của người bệnh chỉ còn tính bằng phút. Nếu điều trị kịp thời, nắm bắt được thời gian vàng có thể ngăn ngừa tàn tật lâu dài và tử vong.
Trong nghiên cứu mới được công bố, các tác giả phân loại hai kiểu triệu chứng của đột quỵ.
1. Các triệu chứng điển hình
Các triệu chứng điển hình gồm mặt bị xệ xuống, nói lắp, tê hoặc yếu tay chân (thường là một bên cơ thể), lú lẫn, chóng mặt, khó đi lại, mất thăng bằng, thị lực thay đổi ở một hoặc hai mắt... Các triệu chứng này thường bắt đầu đột ngột.
2. Các triệu chứng không điển hình
Nhưng không phải tất cả người bị đột quỵ đều có triệu chứng điển hình. Một số nghiên cứu cho thấy đột quỵ không triệu chứng thậm chí còn phổ biến hơn nhiều. Điển hình như bài báo được công bố năm 1998 phát hiện trong số hơn 11 triệu ca đột quỵ, 770.000 người có triệu chứng. Như vậy, hơn 90 % người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thoáng qua không dễ nhận biết. Thông thường, họ chỉ được phát hiện khi đến khám vì đau đầu, gặp vấn đề về nhận thức hoặc chóng mặt.
Các triệu chứng đột quỵ không điển hình mà nhiều người thường bỏ qua gồm thiếu hụt một phần cảm giác (không thể cảm nhận đầy đủ xúc giác, đau hoặc nhiệt độ nóng, lạnh), chóng mặt, nhìn đôi. Theo nghiên cứu, phụ nữ có nhiều khả năng gặp các triệu chứng không điển hình hơn nam giới. Các triệu chứng này không liên quan đến vùng cụ thể nào của não. Họ sẽ bị đau đầu, thay đổi trạng thái tinh thần, sững sờ, mê man...
3. Cách nhận biết người bị đột quỵ
Có hai loại đột quỵ điển hình:
Loại 1: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nó xảy ra khi dòng chảy của máu qua động mạch, cung cấp oxy cho não bị tắc nghẽn.
Loại 2: Đột quỵ do xuất huyết, do động mạch trong não bị vỡ, gây tổn thương các mô xung quanh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chúng ta có thể nhận biết người bị tai biến mạch máu não thông qua nguyên tắc F.A.S.T (Face.Arm.Speech.Tim e) như sau:
Face (Khuôn mặt): Hãy yêu cầu người đó mỉm cười. Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.
Arm (Cánh tay): Hãy yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.
Speech (Lời nói): Hãy yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Người đột quỵ có biểu hiện rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp.
Time (Thời điểm): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Lưu ý khi nạn nhân bị đột quỵ:
Không nên di chuyển nạn nhân để tránh làm trầm trọng tình trạng xuất huyết, nên để nạn nhân nằm ở nơi bằng phẳng, cứng cáp không nên đỡ họ lên giường có nệm lún sâu để tránh làm tổn hại não. Đặt đầu bệnh nhân nghiêng qua 1 bên để dễ thở, nếu có tình trạng dịch miệng chảy ra thì sẽ không bị ngạt thở. Nên đảm bảo bệnh nhận được oxi nuôi dưỡng cơ thể và não. Nếu có tình trạng nôn, ói thì hãy móc hết đờm, nhớt trong miệng bệnh nhân ra. Kiểm tra nhịp tim và huyết áp nhưng không nên cho uống thuốc huyết áp hay tim mạch vào thời điểm này mà nên đợi bác sĩ đến.
VietBF©sưu tập