Avatar: The Way of Water được đánh giá không phải phim bom tấn có kịch bản cầu kỳ nhưng là một tuyệt tác về công nghệ.
Tạp chí Sightlinesmag nhận định những hình ảnh biển cả hùng vỹ và hiệu ứng 3D là yếu tố chính giữ chân khán giả trong rạp suốt ba tiếng. Với Avatar: The Way of Water (Avatar 2), đạo diễn James Cameron tiếp tục sử dụng hàng loạt công nghệ cao như máy quay 3D dưới nước, AI, CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), HFR (khung hình tốc độ cao)... để mang đến trải nghiệm thị giác hoàn toàn mới cho khán giả.
Camera 3D và camera ảo
Theo The Verge, Cameron và đội ngũ của ông đã xây dựng một hệ thống camera mới trên nền tảng máy quay phim Sony Venice. Hệ thống 3D lập thể từ nhiều máy ảnh kết nối với nhau. Cameron cho biết, trung bình mỗi cảnh quay có sự xuất hiện của 400 sản phẩm công nghệ và là lý do khiến kinh phí sản xuất trở nên đắt đỏ.
Đạo diễn James Cameron và máy quay Sony Venice dùng để quay Avatar: The Way of Water. Nguồn: 20th Century Studios
Thách thức với The Way of Water là ông muốn quay dưới nước để có được những khung hình chân thật nhất. Điều này làm nảy sinh một vấn đề mới: bong bóng trong quá trình thở dưới nước khiến máy móc nhầm lẫn với các điểm cảm ứng trên cơ thể diễn viên. Điều này buộc nhà sản xuất phải thiết lập thêm hệ thống camera 360, kết hợp máy ảnh ảo để xử lý. Nền tảng Simulcam được dùng để kết nối hình ảnh 3D và cảnh kỹ xảo CGI theo thời gian thực. Medium đánh giá máy ảnh ảo là một trong những phát minh mới nhất trong kỹ thuật chụp chuyển động.
Ngoài máy quay Venice, máy ảnh ảo, đoàn làm phim cũng dùng thêm một số thiết bị khác như máy quay PXW-Z450 và PXW-X320, máy ảnh RX0 chống thấm nước.
AI
Trí tuệ nhân tạo tham gia từ khâu quay đến dựng Avatar: The Way of Water. Cameron nói ông không muốn tạo ra Avatar theo kiểu phim hoạt hình Pixar. Ông muốn tất cả chuyển động cơ thể của diễn viên được chuyển sang 3D, CGI một cách chân thật nhất với sự hỗ trợ của AI.
Medium dẫn lời diễn viên Kate Winslet: "Chúng tôi lưu giữ tất cả chuyển động trên khuôn mặt, gồm cả những cử chỉ co giật một cách tỉ mỉ nhất. Đó không đơn thuần là chụp lại khuôn mặt mà là tái tạo các khoảnh khắc". Lúc này, AI sẽ bóc tách, xử lý hàng loạt tầng dữ liệu có được từ đời thực và chuyển thành các thuật toán để đưa lên màn ảnh.
Các dữ liệu thô từ trường quay được đạo diễn ghi lại chi tiết như tình trạng ánh sáng, màn diễn, chuyển động máy... sau đó được đóng gói và giao lại cho Weta Digital, công ty phụ trách về hiệu ứng hình ảnh VFX.
"Weta Digital có một bộ công cụ hoàn toàn mới bao gồm AI để đảm bảo các yêu cầu cao nhất, tinh tế nhất về hình ảnh chúng tôi đặt ra ban đầu. Những cải tiến công nghệ giúp khắc phục được nhiều khó khăn hơn so với phần một", Cameron nói. Ước tính, Weta Digital mất 18,5 petabyte dữ liệu để lưu toàn bộ quá trình làm kỹ xảo cho phần hai của phim.
Khung hình tốc độ cao (HFR)
Theo trang công nghệ Engadget, Avatar: The Way of Water là phim có khung hình tốc độ cao (HFR) tốt nhất hiện nay. Những chuyển động ở tốc độ 48 khung hình/giây, mang đến cho người xem hiệu ứng ánh sáng mượt và chân thực hơn so với 24 khung hình/giây tiêu chuẩn.
Khác với phim dùng HFR tốc độ cao trước đó như Hobbit hay Gemini Man, đạo diễn Cameron sử dụng công nghệ theo cách độc đáo. Thay vì HFR xuyên suốt bộ phim, ông chỉ đưa vào các phân cảnh hành động. Có nghĩa The Way of Water thường xuyên chuyển đổi từ HFR siêu thực sang tốc độ tiêu chuẩn. Đây là công nghệ đạo diễn Cameron đã nghiên cứu từ 2016 nhưng cách tiếp cận của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng việc chuyển đột ngột hai tốc độ trong cùng một cảnh có thể khiến quá trình tiếp nhận hình ảnh của não bị "đứt đoạn". Số khác cho rằng điều này có thể khiến các cảnh hành động 3D bị mờ hoặc nhòe. Tuy nhiên thực tế, theo đánh giá của khán giả, họ không gặp trục trặc về hình ảnh với Avatar 2 ngoài những trải nghiệm thị giác ấn tượng.