Việc lấy ráy tai ở trẻ em quan trọng không kém người lớn, cha mẹ cần chú ý vệ sinh tai cho con mình thường xuyên.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 360 triệu người trên toàn cầu bị khiếm thính từ trung bình trở lên, trong đó có hơn 32 triệu là trẻ em. Khoảng 60% tình trạng nghe kém ở trẻ có thể phòng tránh được.
Cách đây không lâu, truyền thông Trung Quốc đưa tin một bé trai 5 tuổi suýt bị điếc do tích tụ ráy tai quá nhiều.
Theo đó, cậu bé này sau khi bị cảm lạnh thường kêu đau tai, gia đình đưa đi khám thì kết quả khiến mọi người sửng sốt. Tai của cậu bé bị bịt kín bởi một cục ráy rai khổng lồ, cứng như xi măng.
Bác sĩ cho biết, tai của cậu bé bị đau là đo ráy tai đã bị kín ống tai lâu ngày, cộng với cảm lạnh nên gây ra tình trạng viêm tai giữa. Nếu không kịp điều trị có thể khiến cậu bé bị điếc vĩnh viễn, viêm màng não, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để chữa trị bệnh viêm tai giữa cho cậu bé, trước tiên bác sĩ vệ sinh sạch sẽ tai, nhưng vì ráy tai quá nhiều và cứng nên ca mổ buộc phải gây mê toàn thân.
Người mẹ nói với bác sĩ rằng: “Tôi thường nghe người lớn tuổi trong nhà nói rằng, không nên tùy ý lấy ráy tai cho trẻ em. Vì thế, từ khi đứa bé chào đời, tôi chưa bao giờ lấy ráy tai cho con. Nếu hậu quả như hôm nay, tôi đã sớm vệ sinh tai cho con thường xuyên”.
Tuy nhiên, bác sĩ dặn người mẹ rằng, không nên tùy tiện lấy ráy tai cho trẻ em, nhất là với những trẻ dưới 3 tuổi sẽ rất nguy hiểm.
Không tùy tiện lấy ráy tai cho trẻ nhưng trường hợp này cần đi khám
Trong trường hợp bình thường, lượng ráy tai tạo ra sẽ không ảnh hưởng đến thính giác. Ráy tai sẽ tự động đào thải ra ngoài trong quá trình trẻ chơi hoặc nhai. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, không cần phải lấy ráy tai cho trẻ.
Ống tai của trẻ nhỏ rất hẹp, khả năng miễn dịch của da cũng yếu, nếu tự ý dùng ngoáy tai cứng ngoáy tai rất dễ gây viêm tai giữa, đồng thời còn làm tổn thương màng nhĩ của trẻ, ảnh hưởng đến thính giác.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, tăm bông mềm và sẽ không làm đau tai trẻ. Trên thực tế, do đầu tăm bông quá lớn nên khi ngoáy tai dễ đẩy ráy tai vào sâu hơn, lâu ngày sẽ tích tụ lại mảng cứng. Đặc biệt, đầu bông của tăm bông rất dễ rơi ra trong quá trình ngoáy tai, gây tổn thương tai nặng hơn.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 1.000 trẻ em được đưa đến phòng cấp cứu mỗi tháng do chấn thương trong khi ngoáy tai.
Hơn nữa, ráy tai còn có nhiệm vụ ngăn chặn vi sinh vật và bụi bẩn xâm nhập vào, nếu vệ sinh tai bé quá sạch sẽ gây phản tác dụng.
Tuy nhiên, nếu môi trường trong tai trẻ luôn bị ẩm ướt, ráy tai sẽ bám dính, không dễ tự động rơi ra. Trong trường hợp này, ráy tai dễ bị tắc lại trong ống tai, dẫn tới xuất hiện một lượng lớn ráy tai có màu vàng, nhờn dính, hoặc những mảng ráy tai to cứng, đồng thời gây viêm nhiễm.
Vì vậy, một khi phát hiện ráy tai của trẻ quá cứng hoặc ống tai bị ráy tai bịt kín, cần đưa trẻ tới bệnh viện để xử lý. Nếu trẻ lớn nói bị ù tai, đau tai, nghe kém… cha mẹ nên xem có phải ráy tai quá nhiều hay không và đưa đến bệnh viện để khám.
Khi lấy ráy tai cho trẻ cần chú ý gì?
Trong hầu hết các trường hợp, ráy tai của trẻ không thể tùy tiện lấy ra. Nếu cha mẹ thực sự muốn lấy ráy tai cho con thì cần chú ý tới cách làm.
Về nguyên tắc, cha mẹ chỉ nên thỉnh thoảng mới làm sạch tai con mình một lần, phạm vi giới hạn bên ngoài ống tai, ở chỗ có thể nhìn thấy bằng mắt.
Vành tai: Dùng tăm bông hoặc khăn sạch hơi ẩm vệ sinh nhẹ nhàng để chùi sạch bụi bẩn, đừng đưa tay vào lỗ tai.
Ống thính giác ngoài: Nếu cảm thấy sợ, tốt nhất cha mẹ nên đưa cho những người có chuyên môn để lấy ráy tai cho con mình. Ráy tai ở vị trí này thường cứng, một số bé nhỏ thường khó ngồi im một chỗ, rất nguy hiểm để lấy ráy tai. Trước khi đến bệnh viện, cha mẹ có thể dùng thuốc nhỏ tai làm mềm ráy tai.
Cách sử dụng thuốc nhỏ tai:
- Để trẻ nghiêng đầu sang một bên hoặc nằm nghiêng trên giường, kéo căng vành tai xuống và ra phía sau để mở ống tai.
- Nhỏ thuốc vào tai, dùng ngón tay ấn nhẹ vào vành tai 3-5 lần để thuốc chảy vào tai, ngày 1 lần, mỗi lần 1-2 giọt, nằm nghiêng ít nhất 5 phút sau khi nhỏ thuốc, dùng liên tục trong 5 ngày.
- Sau khi ráy tai cứng mềm ra, hãy nhờ bác sĩ lấy ra. Tần suất nhỏ tai cho trẻ không nên quá nhiều, tối đa 3 tháng 1 lần.
Chú ý:
Tư thế cho con bú không đúng cách, xì mũi không đúng cách, che miệng và mũi khi hắt hơi, vệ sinh tai không đúng cách rất dễ dẫn đến viêm tai giữa.
Ngoài ra, nước vào ống tai dễ gây viêm tai giữa nên cha mẹ cần chú ý khi gội đầu cho trẻ. Nếu chẳng may nước lọt vào tai, cha mẹ có thể nhét một miếng bông mềm vào ống tai, vài phút sau nước sẽ bị hút ra ngoài.
Một số trẻ nhỏ rất tò mò sẽ nhét các bộ phận nhỏ vào tai, cha mẹ nên chú ý kiểm tra tai của mình thường xuyên. Tình trạng mất thính lực ở trẻ em thường khó phát hiện, đừng đợi đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng mới bắt đầu chú ý.