Một loạt hình ảnh được tuyên bố là ảnh lưu hồ sơ cảnh sát (mugshot) của ông Trump được lan truyền trên mạng, dù ông không chụp bức ảnh nào trong quá trình bị buộc tội tại tòa án.
Ảnh ông Trump bị bắt do AI vẽ. Ảnh: Eliot Higgins.
Một số ảnh giả, được tạo bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đã đánh lừa nhiều người dùng mạng xã hội khi tìm kiếm hình ảnh trực quan về việc ông Trump bị truy tố 34 trọng tội, AP đưa tin hôm 4/4.
Theo 2 quan chức thực thi pháp luật, sau khi bị bắt vào hôm 4/4, ông Trump đã được lấy dấu vân tay như một phần của quy trình, nhưng ảnh lưu hồ sơ cảnh sát của ông không được chụp.
Tuy nhiên, hơn 10 hình ảnh bịa đặt của ông Trump đã lan truyền trên Twitter, Facebook, Instagram và TikTok vào hôm 4/4. Một số hình ảnh trông thực hơn những hình ảnh khác.
“Ở cấp độ 1-10, bạn vui mừng tới mức nào khi ông Trump bị bắt?”, một tài khoản Twitter viết khi chia sẻ bức ảnh mugshot giả. Bài đăng đã nhận được hơn 13.000 lượt thích.
Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội mô tả cựu tổng thống trong các bộ trang phục khác nhau, từ vest và cà vạt đến áo phông, đứng trước những bức tường được đánh số hoặc phông nền màu xám - trắng.
AP mô tả trong một bức ảnh giả, ông Trump nhìn thẳng vào máy ảnh trong chiếc áo phông đen. Bức khác chụp góc nghiêng của ông trong bộ vest và cà vạt kẻ sọc. Thậm chí, có bức cựu tổng thống xuất hiện cau có trong bộ áo liền quần màu cam.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng tạo ra bức ảnh mugshot của riêng mình. Bức ảnh này được gửi qua email cho những người ủng hộ trên hình ảnh chiếc áo phông có dòng chữ “không có tội”.
Một số người dùng chia sẻ những bức ảnh khác thừa nhận chúng được tạo ra bằng AI. Công cụ này cũng đứng sau một loạt hình ảnh giả vào tháng trước mô tả ông Trump bị cảnh sát thành phố New York bắt giữ một cách thô bạo.
Mặc dù một số bài đăng được chia sẻ với mục đích đùa cợt, hình ảnh AI có thể dẫn đến hiện tượng “sụp đổ bối cảnh” gây mâu thuẫn mạng xã hội, Sam Gregory, giám đốc điều hành của Witness, tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu sử dụng công nghệ video vì quyền con người, nhận định.
Điều đó có nghĩa là nếu những bức ảnh mất đi bối cảnh ban đầu, không được hiểu là tác phẩm nhại hoặc châm biếm, hình ảnh có thể lan truyền dưới dạng thông tin sai lệch.
“Giống các phương tiện truyền thông bị thao túng khác, tốc độ chia sẻ vượt quá tốc độ kiểm tra thực tế”, ông Gregory nói. “Mọi người chia sẻ những gì họ muốn tin”.
Bà Claire Wardle - giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, chuyên về thông tin sai lệch - nói rằng số hình ảnh giả đã tăng đột biến trong những tuần gần đây do sự tiến bộ của công nghệ AI.
“Việc công chúng bị lừa không phải mối nguy hiểm lớn nhất, mà là theo thời gian, mọi người ngày càng không biết nên tin vào cái gì hoặc tin ai”, Time dẫn lời bà.
Trước đó, những hình ảnh giả mô tả cảnh ông Trump bị bắt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đường phố Paris và thậm chí cả Giáo hoàng Francis mặc áo phao của hãng Balenciaga đã lan truyền trên mạng, đánh lừa nhiều người.