Ho, xông hơi, tập thể dục, ăn các thực phẩm chống viêm… giúp làm sạch đường thở, tăng cường chức năng hô hấp.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết lá phổi có cơ chế tự làm sạch mỗi ngày. Tuy nhiên các yếu tố như khói thuốc lá, mạt bụi nhà, khói xe cộ, lông thú cưng... có thể khiến quá trình tự hồi phục của phổi bị hạn chế, đặc biệt là ở người có sẵn bệnh hô hấp như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Do đó, mỗi người cần chủ động tránh xa yếu tố gây hại trong không khí, đồng thời chú trọng các bước làm sạch phổi.
Ho có kiểm soát
Ho là một phản xạ tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể. Phản xạ này xảy ra khi có các vật lạ xâm nhập cơ quan hô hấp hay có đờm trong họng. Chúng sẽ kích thích vùng họng, gây ra cảm giác muốn ho để tống vật lạ hay cặn lắng trong phổi ra ngoài.
Ho theo phản xạ xảy ra thường xuyên có thể làm người bệnh mệt, khó thở nhưng lại không hiệu quả, vì luồng khí không đủ mạnh để đẩy chất nhầy ra ngoài. Trường hợp nín ho ở nơi công cộng rất không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh ho có kiểm soát khác với việc ho theo phản xạ. Ho có kiểm soát nghĩa là ho ngay cả khi không có cảm giác muốn ho, lợi dụng động tác này tạo ra lực tống xuất đờm nhầy, vi khuẩn, virus trong đường thở ra ngoài, qua đó làm sạch phổi. Trạng thái ho này cũng ít tốn sức hơn nên giúp người bệnh đỡ mệt. Bác sĩ khuyến cáo người mắc hen suyễn, COPD nên sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát để thay thế cơn ho theo phản xạ.
Người bệnh thực hiện như sau: ngồi thẳng lưng, hít vào chậm và sâu, nín thở vài giây, ho mạnh vài cái để long đờm và tống đờm ra ngoài, khạc đờm vào khăn giấy. Sau đó người bệnh thở chúm môi vài lần và lặp lại động tác ho.
Xông mũi, họng
Không khí lạnh do thời tiết hoặc do điều hòa có thể khiến đường thở bị khô. Những người có bệnh hô hấp mạn tính sẽ nhận thấy tác động này nhiều hơn, với biểu hiện khó thở, ho, đờm. Hơi nước làm tăng độ ấm và ẩm cho không khí, xông hơi có thể hữu ích trong việc cải thiện khả năng làm sạch chất nhầy từ đường hô hấp trên.
Xông hơi là một giải pháp tạm thời hiệu quả nhưng các nhà nghiên cứu cần thêm bằng chứng thuyết phục hơn để hiểu về lợi ích của nó đến sức khỏe phổi."Mọi người không nên lạm dụng xông hơi. Với luồng hơi quá nóng hoặc sử dụng tinh dầu không đảm bảo, dụng cụ xông hơi không vệ sinh thường xuyên có thể gây tổn thương, kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây tác dụng ngược", bác sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh.
Uống đủ nước
Uống đủ nước rất quan trọng đối với phổi. Mỗi người sẽ có một lớp màng nhầy mỏng ở trong đường hô hấp, việc uống đủ nước giữ cho lớp màng nhầy này không bị dày lên. Dư thừa chất nhầy có thể khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn, có thể gây khó thở. Việc uống đủ nước đặc biệt quan trọng với người mắc COPD vì giúp người bệnh dễ dàng ho ra chất nhầy trong phổi, giảm khó chịu và khó thở.
Ăn các thực phẩm chống viêm
Viêm đường hô hấp có thể gây ra khó thở, cảm giác nặng ngực. Ăn các thực phẩm chứa chất chống viêm, chống oxy hoá có thể góp phần làm giảm phản ứng viêm, từ đó cải thiện triệu chứng khó chịu. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều trái cây, rau quả, đặc biệt là rau lá xanh và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khác giúp bảo vệ phổi khỏi một số tổn thương do ô nhiễm không khí và hút thuốc. Nghiên cứu trên 1.000 người của Hàn Quốc phát hiện người uống 2 tách trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn người không uống.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, giữ cho phổi khỏe mạnh.
Bởi lẽ, tập thể dục buộc cơ phải làm việc nhiều hơn, làm tăng nhịp thở của cơ thể, dẫn đến việc cung cấp nhiều oxy hơn cho các cơ. Nó cũng cải thiện thông khí, giúp cơ thể loại bỏ lượng carbon dioxide dư thừa mà cơ thể tạo ra khi tập luyện. Từ đây, cơ thể sẽ bắt đầu thích nghi để đáp ứng nhu cầu tập thể dục thường xuyên. Các cơ sẽ học cách sử dụng oxy hiệu quả, tạo ra ít carbon dioxide hơn.
Mặc dù việc tập thể dục có thể khó khăn đối với những người mắc bệnh phổi mạn tính, nhưng thói quen này sẽ mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe tổng thể. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu chế độ tập thể dục mới.
|
|