Hiện tượng đóng đường không phải là dấu hiệu nói lên chất lượng mật ong thật hay giả.
Mật ong là một trong những thực phẩm được sử dụng phổ biến, chúng có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại mật ong, chất lượng của chúng cũng khác nhau.
Mật ong mang lại nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ảnh: HẠ QUYÊN
Nhiều chất dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mật ong có nhiều công dụng cho cơ thể như giải độc, kháng khuẩn, chống viêm...
Trong mật ong có chứa lượng đường từ 70-80%, chủ yếu là đường đơn glucoza dễ hấp thu. Ngoài ra, mật ong còn chứa các chất dinh dưỡng khác nhau như sắt, đồng, kali, natri, kẽm, magie...rất cần thiết cho cơ thể.
Mật ong loại thực phẩm tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Cụ thể, mật ong chứa nhiều các hóa chất thực vật hoạt động như chất chống ôxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương tế bào do các gốc tự do. Các gốc tự do có thể góp phần vào quá trình lão hóa và cũng góp phần vào sự phát triển của các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim mạch.
Mật ong có hoạt tính kháng khuẩn hydrogen peroxide, glucose oxidase và có độ pH thấp nên chúng được xem như một loại kháng sinh tự nhiên. Bôi mật ong trực tiếp lên các vết trầy xước, vết thương, vết nhiễm trùng ngoài da có tác dụng chống nhiễm khuẩn, giúp vết thương mau lành.
Cũng theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng ta nên dùng trực tiếp mật ong tươi nguyên chất, hoặc hòa loãng trong nước ấm, nước nguội, sữa, nước hoa quả...không nên pha trong nước sôi hoặc đun kỹ trong nước sôi do nhiều chất dinh dưỡng vitamin, chất khoáng,hoặc men sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Không nên pha mật ong cùng rượu có độ cồn cao, làm lắng tủa và biến tính nhiều thành phần hữu cơ của mật ong.
Đóng đường không lên chất lượng mật ong thật hay giả?
Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành chia sẻ: mật ong là chất lỏng, nhưng là loại chất lỏng siêu bão hòa. Thời tiết trở lạnh, trữ mật ong trong ngăn mát tủ lạnh sẽ dễ làm mật ong bị đóng đường. Tuy nhiên, nếu để mật ong trong ngăn đá tủ lạnh (-20 độ C) thì mật ong vẫn lỏng, chỉ bị sệt lại chứ không đông đặc.
Đường bị đóng chủ yếu là đường glucose kết tinh. Mật ong bị đóng đường là chuyện thường, chỉ cần hâm nóng sơ là đường kết tinh sẽ tan. Đóng đường không phải là dấu hiệu nói lên chất lượng mật ong thật hay giả. Thậm chí mật ong giả lại càng ít bị đóng đường hơn do hàm lượng glucose trong mật ong giả thường ít.
Cũng theo ông Vũ Thế Thành, không thể dùng hiện tượng đóng đường để kết luận là mật ong rừng hay mật ong nuôi.
Ong hút mật từ hoa để làm ra mật ong nên chất lượng, hương vị của mật ong tùy thuộc vào loại hoa.
Mật ong nuôi vì những khoảng thời gian không có hoa nên một số trang trại ong đã pha đường ăn (sucrose) cho vào các chén nhỏ, ong thấy ngọt nên thu thập nước đường đấy rồi mang vào tổ. Vì vậy mật hoa đơn thuần chỉ là nước đường. Ong cũng tiết ra enzyme để phân giải đường ăn thành glucose và fructose. Do vậy, loại mật ong này không có nhiều dưỡng chất như mật ong có từ mật hoa.
Theo ông Thành, hiện có nhiều thông tin trên mạng về cách thử mật ong thật giả như: thử bằng cọng hành, thả giọt mật vào nước, đóng đường, màu sắc mật...Tuy nhiên những cách này không có độ tin cậy cao.
Nếu không được bảo quản đúng cách mật ong có thể bị mất một số đặc tính kháng khuẩn, thậm chí bị nhiễm khuẩn và bắt đầu biến chất. Khi bị mở hoặc đậy kín không đúng cách, hàm lượng nước sẽ bắt đầu tăng lên đến trên mức an toàn là 18%, từ đó nguy cơ lên men sẽ tăng lên.
Cũng theo Healthline, các lọ, hộp chứa mật ong bị hở sẽ dễ khiến chúng bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Những vi khuẩn này có thể sinh sôi nảy nở nếu hàm lượng nước trong mật ong trở nên quá cao.
Ngoài ra, đun nóng mật ong ở nhiệt độ cao cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tới chất lượng sản phẩm do làm tăng tốc độ phân hủy màu sắc và hương vị cũng như làm tăng hàm lượng chất HMF có trong mật ong.