Ẩn sau những lo ngại của thị trường về khả năng nước Mỹ vỡ nợ lại là mối rủ ro ít được nhắc đến về những gì sẽ xảy ra khi một thoả thuận nâng trần nợ công được thực hiện.
Nhiều người trên Phố Wall dự đoán các nhà lập pháp sẽ đi đến một thoả thuận về trần nợ và vụ vỡ nợ lịch sử sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không chịu ảnh hưởng, từ không chỉ là những bế tắc ở hiện tại mà còn là những nỗ lực của Bộ Tài chính khi tiếp tục đi vay trở lại.
Ari Bergmann, điều hành Penso Advisors, một công ty chuyên về những rủi ro khó kiểm soát, cho biết nhà đầu tư nên đề phòng hậu quả của một quyết định từ Washington.
Điều mà những nhà đầu tư kỳ cựu đang chú ý là Bộ Tài chính sẽ cần nỗ lực để bổ sung số dư tiền mặt, vốn đang cạn kiệt, nhằm duy trì khả năng thanh toán các nghĩa vụ của mình thông qua một đợt bán tín phiếu Kho bạc.
Ước tính, giá trị tín phiếu đạt hơn 1 nghìn tỷ USD vào cuối quý III. Tình trạng nguồn cung tiền bỗng dưng "bùng nổ" sẽ nhanh chóng khiến lĩnh vực ngân hàng mất thanh khoản, lãi suất huy động vốn ngắn hạn tăng cao và thắt chặt các điều kiện cho vay trong nền kinh tế Mỹ. Theo ước tính của BofA, điều này sẽ có tác động kinh tế tương tự như việc Fed tăng lãi suất 0,25%.
Chi phí đi vay tăng cao sau đợt thắt chặt chính sách của Fed đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và đang dần kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, Bergmann đặc biệt cảnh giác trước một động thái của Bộ Tài chính nhằm khôi phục “kho” tiền mặt, nhận thấy việc này sẽ khiến lượng dự trữ ngân hàng sụt giảm đáng kể.
Trần nợ công hiện tại của Mỹ và mức nợ hiện tại của chính phủ Mỹ (nghìn tỷ USD).
Bergmann cho hay: “Mối lo ngại lớn của tôi là khi trần nợ được giải quyết. Và tôi nghĩ hệ thống ngân hàng sẽ bị cạn thanh khoản ở mức rất sâu và đột ngột. Đây không phải điều quá hiển nhiên nhưng là thực tế. Trước đây, chúng ta từng chứng kiến tình trạng tương tự và nó ảnh hưởng điêu cực đến các thị trường rủi ro như chứng khoán và tín dụng.”
Ngay cả sau khi Washington giải quyết được những bế tắc về trần nợ công, thì việc Bộ Tài chính tác động đến số dư tiền mặt, chương trình thắt chặt định lượng của Fed và tác động từ lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng đến các loại tài sản rủi ro và nền kinh tế Mỹ.
Sau khi vấn đề về trần nợ được giải quyết, tài khoản chung của kho bạc (TGA) sẽ tăng vọt lên 550 tỷ USD vào cuối tháng 6 từ mức khoảng 95 tỷ USD hiện tại và đạt 600 tỷ USD vào 3 tháng sau đó.
Sự hồi phục này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản trên toàn bộ hệ thống tài chính, vì kho tiền mặt có chức năng như tài khoản vãng lai của chính phủ tại Fed, tức là được ghi vào bên “nợ” trong bảng cân đối kế toán của NHTW.
Khi Bộ Tài chính phát hành nhiều tín phiếu hơn ở mức cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, tài khoản chung của cơ quan này sẽ tăng vọt, khiến tiền bị rút khỏi khu vực tư nhân và đổ vào tài khoản của họ tại Fed.
Một phần quan trọng khác là thoả thuận repo đảo ngược của Fed (RRP), là loại hợp đồng mà các quỹ MMF gửi tiền mặt cho NHTW qua đêm với lãi suất hơn 5%. Các hợp đồng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD này cũng là một nghĩa vụ nợ với Fed.
Matt King, chiến lược gia từ Citigroup, cho biết xu hướng giữ tiền trong RRP của các quỹ MMF có thể sẽ kéo dài. Điều này có thể khiến khoản dự trữ ngân hàng hao hụt đáng kể, khi lượng tiền mặt của Kho bạc tăng vọt.
Và điều này sẽ xảy ra khi các NHTW lớn khiến thanh khoản sụt giảm sau những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
King nhận định: “Chúng ta đang chuyển từ mối lo ngại về thanh khoản của các NHTW toàn cầu sang khoản dự trữ của các ngân hàng, vốn đã sụt giảm. Vì thế, tôi lo ngại về nhà đầu tư sẽ bán tháo các tài sản rủi ro ở thời điểm này.”
Priya Misra, chiến lược gia lãi suất toàn cầu của TD Securities, cho rằng điều đáng lo ngại là khoản dự trữ ngân hàng sẽ cạn kiệt, khiến thị trường vốn đảo lộn. Theo bà, tình trạng này có thể sẽ khiến lãi suất của các RRP tăng lên và điều này thường dẫn đến những rủi ro lớn.
Bà cho hay: “Nếu tôi là một quỹ phòng hộ, toàn bộ mô hình kinh doanh của tôi dựa vào việc đi vay. Và điều sẽ xảy ra không chỉ là lãi suất tăng, mà tôi còn có thể bị từ chối cho vay.”
Đây là những vấn đề mà thị trường Mỹ đã chứng kiến trong giai đoạn vấn đề trần nợ được giải quyết năm 2017-2018, khi Bộ Tài chính phát hành 500 tỷ USD tín phiếu trong 6 tuần.
Đương nhiên, cơ quan này hiểu rõ rằng “trận đại hồng thuỷ” có thể khiến thị trường lao đao và hỏi các nhà tạo lập thị trường về chủ đề này. Họ khuyến khích Bộ Tài chính Mỹ giám sát những mối căng thẳng tiềm tàng, để đảm bảo không tăng số dư tiền mặt quá nhanh.
VietBF@Sưu tầm