Bệnh về túi mật thường gặp như sỏi, viêm, thủng túi mật, hẹp ống mật… với các triệu chứng đau dữ dội bụng phải, đầy hơi, sốt, ớn lạnh.
Túi mật giải phóng mật qua các ống dẫn vào ruột non để phân hủy thức ăn. Nếu ống dẫn mật bị tắc nghẽn có thể gây ra các bệnh. Các triệu chứng khác nhau tùy theo loại tình trạng bệnh ở túi mật:
Sỏi mật: Sỏi nhỏ hoặc lớn phát triển bên trong túi mật. Những viên sỏi này hình thành từ các chất có trong mật, gồm cholesterol và sắc tố bilirubin. Sỏi mật có thể gây ra cơn đau quặn mật. Tuy nhiên nhiều người không có triệu chứng do sỏi mật không làm tắc ống dẫn mật.
Cơn đau quặn mật thường kéo dài từ 1-5 giờ, cũng có thể kéo dài 24 giờ, phổ biến sau các bữa ăn nhiều chất béo. Người bệnh cần điều trị nếu sỏi mật gây ra biến chứng nghiêm trọng như: đau bụng dữ dội khiến không thể ngồi, nằm yên hoặc nuốt thức ăn; vàng da và mắt; sốt nặng kèm ớn lạnh.
Viêm túi mật: Nguyên nhân phổ biến gây viêm túi mật là do sỏi kích thích làm cho thành túi mật bị sưng và đau. Ngoài ra tình trạng này có thể do uống quá nhiều rượu, nhiễm trùng, vi khuẩn đường ruột xâm nhập hoặc là khối u gây tích tụ mật. Một đợt viêm có thể kéo dài vài giờ, thậm chí vài ngày và kèm sốt.
Túi mật bị thủng: Túi mật bị viêm có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là rách túi mật. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng và cần phẫu thuật.
Đau đường mật: Bệnh có thể là do cơ thể làm rỗng túi mật không đúng cách, ống mật hoặc ruột non quá nhạy cảm. Đôi khi sỏi mật đi qua đường ống mật gây đau, cần phẫu thuật.
Đau bụng dữ dội bên phải trên hoặc trung tâm cảnh báo bệnh túi mật. Ảnh: Freepik
Nhiễm trùng đường mật: Phần lớn các trường hợp viêm trong hệ thống ống mật là do sự kết hợp của tắc nghẽn ống mật và nhiễm trùng do vi khuẩn. Vi khuẩn tích tụ phía trên chỗ tắc nghẽn có thể xâm nhập vào gan và gây nhiễm trùng nặng.
Hẹp ống mật liên quan đến AIDS: Với người mắc bệnh AIDS, hệ thống miễn dịch suy yếu dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên và lan rộng, có thể dẫn đến hẹp ống mật.
Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát: Đây có thể là một chứng rối loạn tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô của cơ thể.
Áp xe túi mật: Nhiễm trùng túi mật nghiêm trọng có thể dẫn đến áp xe (viêm mủ túi mật).
Túi mật sứ: Bệnh xảy ra khi thành của túi mật bị vôi hóa trông giống sứ trên phim X-quang. Túi mật sứ có nguy cơ gây ung thư rất cao và cần được phẫu thuật cắt bỏ.
Polyp túi mật: Những khối u nhô ra khỏi bề mặt của thành trong túi mật. Một số polyp hình thành do viêm hoặc do lắng đọng cholesterol trong thành túi mật. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 95% polyp túi mật là lành tính, tỷ lệ là ung thư rất thấp nhưng có thể xảy ra. Polyp túi mật lớn hơn một cm có nhiều khả năng trở thành ung thư, do đó nên cắt bỏ.
Bệnh túi mật: Gồm tình trạng viêm, nhiễm trùng, sỏi mật hoặc tắc nghẽn túi mật. Phần lớn các triệu chứng túi mật bắt đầu với cơn đau ở vùng bụng phải trên hoặc ở giữa. Bệnh thường được phát hiện khi chụp X-quang, chụp CT hoặc trong khi phẫu thuật bụng. Mọi người nên đi khám nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh túi mật.
VietBF@sưu tập