Việc rửa chén bát đúng cách rất quan trọng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người không biết nên rửa chén bát bằng nước nóng hay nước lạnh sẽ tốt hơn.
Sau mỗi bữa ăn, rửa chén bát là hoạt động không thể thiếu và đây được xem như là một việc làm bắt buộc. Thế nhưng không phải ai cũng biết được nên rửa chén bát bằng nước nóng hay nước lạnh thì tốt hơn.
Tùy thuộc vào môi trường có nhiệt độ cao hay thấp, việc rửa chén bát bằng nước nóng hoặc nước lạnh sẽ mang lại công dụng khác nhau.
Nên rửa chén bát với nước nóng hay nước lạnh đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Nên rửa chén bát bằng nước nóng hay nước lạnh?
Khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, nhất là lúc nhiệt độ nước đo được thấp hơn 30 độ C thì việc dùng nước lạnh để rửa chén bát sẽ khiến nó dễ bị ám một lớp nhờn trên bề mặt, tạo cảm giác khó chịu và mất vệ sinh.
Việc thời tiết chuyển lạnh, nếu da tay tiếp xúc nhiều với nước lạnh và chất tẩy rửa rất dễ bị bong tróc. Những vết dầu mỡ cũng sẽ bám chặt hơn trên vật dụng nấu ăn khiến việc rửa bát đĩa trở thành nỗi ám ảnh.
Vì thế, khi nhiệt độ xuống thấp việc sử dụng nước nóng để rửa bát đĩa là lựa chọn vô cùng hợp lý. Vừa giúp làm sạch triệt để những vết bẩn cứng đầu, dầu mỡ bám dính trên bề mặt chén đĩa, vừa giúp bảo vệ làn da tay không bị ửng đỏ và bong tróc.
Ngoài ra, những vật dụng bằng tre, gỗ như thớt, đũa, thìa, muỗng... khi bị dính dầu mỡ sẽ rất khó rửa và dễ bị ẩm, mốc. Việc ngâm các vật dụng này bằng nước nóng sẽ giúp khử trùng và đỡ mất thời gian chà rửa. Trường hợp chúng bị mốc, bạn có thể nấu nước nóng rồi bỏ chúng vào ngâm, rồi đun trên bếp lửa thêm vài phút, làm như vậy khoảng hai, ba lần các vết nấm mốc sẽ không còn.
Nhiều loại ly, tách, bát có chất liệu thủy tinh hay sứ sau một thời gian dài sử dụng thường xuất hiện những vết bám ố vàng rất khó có thể tẩy rửa. Để có thể xóa sạch những vết cặn này, bạn hãy ngâm ly, tách vào hỗn hợp nước nóng có pha giấm hoặc chanh đến 5 phút rồi rửa sạch bằng nước rửa chén, vết ố sẽ biến mất.
Những sai lầm cần tránh khi rửa chén bát
Khi vệ sinh chén, bát, đũa bạn nên hạn chế tối đa việc rửa chung nhiều vật dụng này cùng lúc. Nên rửa từng vật dụng một để dễ dàng cọ sạch những mảng thức ăn bám trên bề mặt, tránh để chúng phát triển thành nấm mốc. Đặc biệt, khi sử dụng bát, đũa làm bằng gỗ bạn nên phơi chúng thật khô trước khi sử dụng.
Chén dĩa sau khi được làm sạch cần phải xếp lên kệ hoặc cho vào rổ để ráo nước trước khi bảo quản trong tủ kín. Điều này sẽ giúp chén đĩa nhà bạn không bị ám mùi nước rửa chén hoặc mùi ẩm mốc mỗi khi cần sử dụng đến.
Để đảm bảo chén, bát đã loại bỏ sạch hoàn toàn những loại mảng bám cứng đầu cũng như giữ vệ sinh cho khu bếp, vật dụng nấu ăn, bạn hãy sử dụng nhiều loại dụng cụ rửa chén cho từng mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị thêm khăn lau bếp, khăn lau bồn rửa chén riêng để sử dụng mỗi khi cần.