Tía tô là loại rau gia vị trong bữa ăn của người Việt, ngoài việc là rau gia vị thì tía tô còn được nhiều người tận dụng đun nước để uống. Vậy, uống nước tía tô thay nước lọc được không? Hãy cùng xem giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tác dụng của lá tía tô
Bài viết trên website Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, tía tô là loại rau thơm rất phổ biến, không chỉ dùng để ăn kèm với nhiều món ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, cho biết trong y học cổ truyền, tía tô là vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo. Hạt chế thành trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, lá tía tô hàm lượng dầu khoảng 40%. Trong đó một lượng lớn axit béo chưa bão hòa chủ yếu là axit alpha-linoleic. Không những vậy, tía tô còn chứa 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan.
Tía tô còn có tác dụng làm giảm co thắt cơ trơn của phế quản, chất tinh dầu làm tăng đường huyết. Aldehyt trong tía tô chống ức chế trung khu thần kinh. Nước ngâm lá tía tô tác dụng ức chế các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lị, trực khuẩn đại tràng.
Uống nước tía tô thay nước lọc được không?
Vì những lợi ích của lá tía tô mà nhiều người có thói quen đun nước lá tía tô để uống. Không ít người còn uống nước lá tía tô thay nước lọc.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, nước lá tía tô rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn chỉ nên uống nước tía tô với lượng vừa phải, uống quá nhiều trong thời gian dài có thể gây chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng nước lá tía tô trong 24 giờ để đảm bảo chất lượng và mùi vị.
Để nước lá tía tô giữ nguyên giá trị bạn không nên đun sôi lá tía tô quá 15 phút vì các tinh dầu trong lá, cành cây sẽ bị bốc hơi làm giảm tác dụng của nước lá tía tô.
|