Cách chúng ta sử dụng một ngày cũng là cách mà chúng ta sử dụng cuộc đời mình, vì vậy hãy biết thế nào là đủ và tận hưởng cuộc sống hiện tại.
Emily Dickinson - nhà thơ nữ nổi tiếng người Mỹ - từng than thở trong một bức thư tình : “Sự đủ đầy là điều ngọt ngào quá đỗi, nhưng tôi cho rằng nó không bao giờ xảy ra, mà chỉ có những giả tạo thảm hại” .
Trong bài thơ ngắn về bí mật của hạnh phúc, Kurt Vonnegut cũng đã phơi bày gốc rễ của nỗi đau mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hiện đại: Chúng ta chẳng bao giờ biết đủ, và chúng ta sẽ mãi không thỏa mãn với hiện tại.
Đây là lời nguyền thời hiện đại của chúng ta: Một thế kỷ tiêu dùng phô trương đã "rèn luyện" chúng ta trở thành những công dân ngoan ngoãn của chủ nghĩa không bao giờ biết đủ, ví dụ điển hình là việc không ít người đã bắt đầu tích trữ giấy vệ sinh cho ngày tận thế chẳng biết bao giờ xảy ra.
Nhà thơ John Ciardi (24/6/1916 – 30/3/1986) đã đưa ra một hồi chuông cảnh tỉnh cho trạng thái không biết đủ này trong tác phẩm xuất bản năm 1963, mang tên "John J. Plenty và Fiddler Dan" - một tác phẩm kết hợp giữa nhiều thể loại văn học khác nhau như truyện ngụ ngôn, thơ, văn xuôi. Câu chuyện có nội dung như sau:
Khi những chú chim bắt đầu cất tiếng hót chào mùa hè cũng là lúc John J. Plenty - chú kiến cần cù - bắt đầu công cuộc tích trữ các loại thức ăn cho mùa đông dài. Từ trứng bọ cánh cứng, mẩu bánh vụn, hạt giống, đến những bông hoa và lá rau xà lách... tất cả đều được những chú kiến nhịp nhàng vận chuyển theo tiếng hô đều đặn: “Thêm nữa, hãy lấy nhiều thức ăn hơn”.
Rồi tình yêu - yếu tố quan trọng tạo nên một câu chuyện hay bài thơ hay chợt xuất hiện khi em gái của John J. phải lòng châu chấu tên Dan - nhân vật thường dành cả ngày để chơi đàn trên bãi cỏ, lấp đầy thế giới bằng âm nhạc.
Lo lắng rằng em gái chỉ mải mê đắm chìm trong tình yêu mà quên đi việc tìm kiếm thức ăn cho mùa đông, John J. đã cố gắng ngăn cản em gái mình đến với Dan. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa khi em gái John quyết định bỏ trốn cùng người mình thương, dành toàn thời gian để nuôi dưỡng tình yêu cùng âm nhạc.
Dù nghe thấy tiếng âm nhạc của Dan lúc gần lúc xa, John J. vẫn không thể ngăn bản thân lê bước trước khẩu hiệu “Hãy lấy thêm thức ăn”. Trong thâm tâm, John âm thầm thề rằng em gái và Dan sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ anh khi mùa đông đến, và họ sẽ có bài học thích đáng.
Và rồi, theo quy luật của tự nhiên, mùa đông ghé thăm vùng đất mà họ đang sinh sống. John J. Plenty đóng cửa lại, anh hả hê khi nghe thấy tiếng nhạc im bặt, và càng thỏa mãn hơn khi bắt đầu thưởng thức kho tàng vô số món ngon của mình.
Nhưng khi chất đầy trứng bọ cánh cứng và giăm bông sâu bướm vào đĩa của mình, một ý nghĩ khủng khiếp bất chợt nảy ra trong đầu của John: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mùa đông kéo dài mãi mãi và cuối cùng không có đủ lượng thức ăn cần thiết?”.
Tất nhiên, điều đó không thể nào xảy ra. Khi mùa xuân đến, John J. Plenty thề sẽ tích trữ gấp đôi số thức ăn trong năm nay. Nhưng khi bắt đầu ra khỏi cửa để tìm chuyến hàng đầu tiên của mình, anh vẫn nghe thấy tiếng nhạc văng vẳng gần xa.
Ghen tức với suy nghĩ rằng Fiddler Dan đã sống sót qua mùa đông dù chẳng phải tích trữ gì nhiều lại còn suốt ngày hát ca và tận hưởng tình yêu đep của mình, John J. Plenty bất cẩn ngã nhào và úp mặt xuống vũng bùn. Trong khi đó, âm nhạc vẫn tiếp tục vang lên, cuộc sống vẫn diễn ra một cách tự nhiên và phong phú theo như nó vốn phải như vậy.
VietBF@ Sưu tập