Nếu thấy lạc có dấu hiệu bị đổi màu thì cần vứt bỏ, tuyệt đối không ăn vì rất có thể số lạc này đã bị nấm aflatoxin xâm nhập, một loại nấm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Lạc (hay còn gọi đậu phộng) là một loại thực phẩm rất thông dụng, có thể chế biến thành nhiều món ngon và được mọi người vô cùng yêu thích.
Về dinh dưỡng, trong 100g lạc có chứa khoảng 567 calo, 25,8g protein, 8,5g chất xơ, 16,1g carbs, 7% nước, 4,7g đường, 49,2g chất béo lành mạnh.
Lạc có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: lạc luộc, lạc rang muối lạc trộn nộm,... Mặc dù có nhiều nghiên cứu chứng minh ăn lạc có tác dụng hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả, nhưng bạn không nên lạm dụng lạc quá nhiều trong khẩu phần ăn hàng ngày, bởi lạc chứa hàm lượng chất béo khá cao nên chúng nằm trong danh sách nhóm hạt chứa dầu.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, không nên ăn lạc luộc hoặc lạc rang quá nhiều khi đang đói bụng. Bởi vì, khi ăn lạc lúc đói, các chất béo trong lạc sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, gây ấm ách, khó chịu.
Đặc biệt khi thấy lạc đã bị đổi màu thì cần vứt bỏ, tuyệt đối không ăn vì rất có thể số lạc này đã bị nấm aflatoxin xâm nhập, một loại nấm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
5 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn lạc
Những người có cơ địa dị ứng
Lạc tuy là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải thích hợp với tất cả mọi người. Biểu hiện của người bị dị ứng lạc, nhẹ thì phát ban ngứa, buồn nôn hoặc sưng mặt. Nghiêm trọng có thể gây ra phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, buồn nôn, nôn mửa, co giật, tức ngực, sưng lưỡi, mặt, hoặc môi, buồn ngủ cực độ và cảm thấy chóng mặt, bối rối hoặc choáng váng.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên sau khi ăn lạc, cần nhanh chóng tới khám tại cơ sở y tế.
Người bị bệnh gout
Bệnh gout xảy ra do rối loạn chuyển hóa purin, thường có biểu hiện là tăng hàm lượng axit uric trong máu. Vậy nên, bệnh nhân gout không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo như lạc, nhất là trong lúc bệnh đang trong giai đoạn cấp tính bởi sẽ làm giảm sự bài tiết axit uric, làm tình trạng bệnh diễn biến xấu đi.
Người rối loạn mỡ máu
Lạc rất giàu chất béo và có hàm lượng calo cao, do đó đây không phải là thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân bị tăng lipid máu. Nếu ăn nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người bị cắt túi mật
Với những người bị cắt túi mật, tốt nhất không nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hay protein vì có thể khiến túi mật tiết ra nhiều mật hơn. Điều này càng quan trọng đối với bệnh nhân đã cắt bỏ túi mật, mật được tiết ra nhưng không được lưu trữ sẽ cản trở quá trình hấp thụ chất béo, ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Người mắc bệnh tiêu hóa
Lạc chứa hàm lượng protein và chất béo cao khiến cho cơ thể khó tiêu hóa và hấp thu. Vậy nên, những người bị chứng khó tiêu hay viêm loét dạ dày, viêm ruột mạn tính không nên ăn vì có thể gây cảm giác khó chịu và làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có vấn đề về đường tiêu hóa nói chung cũng không nên ăn nhiều lạc.
3 loại thực phẩm không nên ăn cùng lạc
Lạc không ăn cùng dưa chuột
Lạc và dưa chuột được khuyến cáo không nên ăn cùng nhau bởi 2 loại thực phẩm này mang tính lạnh dễ gây ra bệnh tiêu chảy, đau bụng cho người ăn. Với những người có hệ tiêu hóa tốt thì món này có thể không sao nhưng nếu những người bụng dạ kém thì tốt nhất nên tránh để không bị tiêu chảy.
Lạc không ăn với cua
Cua có giá trị dinh dưỡng cao nên được mọi người yêu thích, nhưng nếu bạn kết hợp cua với lạc, chúng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Điều này cũng là do cả cua và lạc đều có tính lạnh.
Lạc không ăn cùng quả hồng
Quả hồng là loại quả chín vào mùa thu, hàm lượng nước tương đối dồi dào, giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng axit tannic trong quả hồng có thể phản ứng với protein trong lạc tạo cảm giác khó chịu ở đường tiêu hóa, khi ăn 2 loại thực phẩm này bạn nên ăn ít hoặc không ăn cùng nhau.
VietBF@ Sưu tập