Chàng trai 25 tuổi, bỗng dưng mệt mỏi, đau đầu, đi khám phát hiện suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu cấp cứu.
Ngày 16/8, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận mạn do viêm cầu thận, theo dõi có suy thận. Người đàn ông được chỉ định lọc máu cấp cứu, một tuần ba lần. Theo bác sĩ, người bệnh còn trẻ song phải chạy thận khiến sức khỏe suy kiệt, phải sống chung suốt đời và phụ thuộc gia đình.
Trường hợp khác, nữ 23 tuổi, sức khỏe bình thường, không triệu chứng rõ rệt, chỉ đi khám sức khỏe để xin việc, phát hiện suy thận mạn. Bệnh nhân theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế trong hai năm, sau đó uống thuốc nam khiến bệnh trở nặng, phải lọc máu chu kỳ tại bệnh viện.
Bác sĩ cho biết trong khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5-10%, gây gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội. Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện bệnh từ dấu hiệu mờ nhạt như mệt mỏi, ăn không ngon miệng, buồn nôn...
"Đến khi đi khám phát hiện bị suy thận mức độ nặng, thậm chí suy thận giai đoạn cuối, bắt buộc phải lọc máu để duy trì sự sống", bác sĩ nói.
Thống kê của Hội thận học thế giới ước tính khoảng ba triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận. Riêng tại Việt Nam, ước tính số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo khoảng 800.000 người, 0,1% dân số.
Bệnh thận đang có xu hướng trẻ hóa song biểu hiện thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Suy thận được phân thành 5 giai đoạn, từ rất nhẹ (giai đoạn một) đến suy thận hoàn toàn (giai đoạn 5). Triệu chứng và biến chứng tăng lên khi các giai đoạn tiến triển.
Có nhiều nguyên nhân gây suy thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn. Ngoài ra, thói quen ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, lười vận động cũng là nguyên nhân trẻ hóa suy thận mạn. Tỷ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.
Diễn biến bệnh thường âm thầm, không biểu hiện hoặc biểu hiện mơ hồ. Hiện trên thế giới chưa có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và thức uống có cồn, nói không với thuốc lá. Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao hàng ngày. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là các thuốc không cần kê đơn.
VietBF@sưu tập