Viêm cột sống dính khớp thường xuất hiện sớm nhưng tiến triển chậm, không kịp thời điều trị có thể làm dính cứng khớp và đốt sống, dẫn đến tàn phế.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm hệ thống mạn tính, đặc trưng bởi thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ở chi, điểm bám gân.
ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết nếu không sớm kiểm soát, bệnh ảnh hưởng đến các đốt sống mà còn tổn thương nhiều khớp ngoại vi và các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Dính khớp và đốt sống: Cơ thể thúc đẩy quá trình hình thành xương mới khi tình trạng viêm trở nặng, làm thu hẹp khoảng cách giữa các khớp hoặc đốt sống, làm cho chúng dính lại với nhau. Lúc này, cột sống cứng lại và mất đi độ linh hoạt vốn có. Nếu tình trạng dính cứng xảy ra ở khớp xương sườn và đốt sống, dung tích và chức năng của phổi bị ảnh hưởng.
Viêm cột sống dính khớp có thể phát triển thành biến chứng gây đau cứng cổ và khó xoay đầu. Ảnh: Freepik
Viêm màng bồ đào: Bệnh ảnh hưởng đến thủy tinh thể, võng mạc, các dây thần kinh thị giác. Đây là dạng tổn thương thường gặp nhất ở người bệnh với một số biểu hiện như đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt.
Nứt, gãy xương: Viêm cột sống dính khớp làm cho xương mỏng dần, các đốt sống suy yếu rất dễ bị nứt gãy, nhất là khi thực hiện tư thế khom lưng. Gãy xương sống có nguy cơ gây áp lực và tổn thương tủy sống cũng như các rễ thần kinh xung quanh. Tình trạng này gây ngứa, tê yếu chân hoặc bàn chân, rối loạn chức năng ruột và bàn chân, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.
Hệ lụy tim mạch: Trong một số trường hợp, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến động mạch chủ, gây biến dạng van động mạch chủ ở tim, làm suy giảm chức năng của cơ quan này.
Bác sĩ Thanh Tú cho biết viêm cột sống dính khớp không thể chữa khỏi tận gốc. Điều trị tập trung vào giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng. Các phương pháp điều trị bao gồm vận động thường xuyên, dùng thuốc, phẫu thuật.
Vận động thường xuyên: Chế độ tập luyện phù hợp không chỉ giảm nhẹ triệu chứng đau cứng mà còn duy trì tính linh hoạt của khớp và cột sống, nâng cao sức khỏe tinh thần của người bệnh. Người bị viêm cột sống dính khớp nên thực hiện bài tập kéo giãn, co duỗi cơ, tập thể dục nhịp điệu, yoga, đạp xe, đi bộ, bơi lội...
Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện; nên bắt đầu với cường độ thấp, sau đó tăng theo thời gian để cơ thể thích nghi. Ngưng tập luyện và gặp bác sĩ ngay khi có biểu hiện đau nhức bất thường ở vùng lưng, thắt lưng hoặc các khớp ngoại vi.
Dùng thuốc: Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể kê toa một hoặc nhiều thuốc kết hợp để kiểm soát tình trạng viêm. Các loại thuốc được chỉ định thường là nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid, nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc sinh học.
Phẫu thuật: Đây là phương pháp cuối cùng, được chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả, cấu trúc cột sống hoặc khớp háng tổn thương nghiêm trọng, nhất là gãy đốt sống cấp tính.
Chăm sóc tại nhà: Chăm sóc đúng cách có thể kiểm soát tốt bệnh, giảm nhẹ triệu chứng. Người bệnh có thể chườm nóng và chườm lạnh, xoa bóp, vận động và nghỉ ngơi đúng tư thế, xây dựng chế độ ăn uống khoa học.