Một nghiên cứu lớn vừa công bố trên BMJ Oncology cảnh báo số người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã tăng vọt 80% chỉ trong vòng 3 thập kỷ.
Theo The Guardian, số ca ung thư khởi phát sớm - tức trước tuổi 50 - đã tăng từ con số 1,82 triệu của năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019; trong khi tỉ lệ tử vong do ung thư ở người trường thành độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%.
Nghiên cứu cũng thống kê hơn 1 triệu người dưới 50 tuổi chết vì ung thư mỗi năm.Công trình quốc tế này được dẫn đầu bởi Đại học Edinburgh (Scotland - Anh) và Trường Y khoa Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), là nghiên cứu đầu tiên xem xét về ung thư khởi phát sớm trên quy mô toàn cầu, sau một số nghiên cứu khác chỉ ra sự gia tăng ở nhiều nơi đơn lẻ trên thế giới.
Họ đã sử dụng dữ liệu về 29 loại bệnh ung thư từ 204 quốc gia ở khắp các châu lục để đưa ra các kết quả nói trên.
Nghiên cứu cũng chỉ ra ung thư vú chiếm số lượng lớn nhất về ca mắc và ca tử vong liên quan, với tỉ lệ lần lượt là 13,7 và 3,5 trên mỗi 100.000 người.
Các trường hợp ung thư khí quản và ung thư tuyến tiền liệt dưới 50 tuổi tăng nhanh nhất, trong khi ung thư gan khởi phát sớm lại giảm rõ rệt trong 3 thập kỷ theo dõi. Tỉ lệ tử vong tăng nhanh nhất ở nhóm người ung thư thận và ung thư buồng trứng.Xét theo khu vực, tỉ lệ ung thư khởi phát sớm cao nhất ở Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu. Các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có tỉ lệ tử vong cao nhất ở nhóm tuổi dưới 50 tập trung ở châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á.
Phụ nữ có tỉ lệ ung thư khởi phát sớm cao hơn nam giới.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính số ca ung thư khởi phát sớm và số ca tử vong liên quan đến bệnh đó sẽ tăng lần lượt 31% và 21% vào năm 2030, trong đó độ tuổi 40 là cao nhất.
Họ chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình đi tìm nguyên nhân. Tuy nhiên ngoài yếu tố di truyền, các tác giả tin rằng chế độ ăn và lối sống hiện tại đang góp phần lớn vào mức tăng vọt này.
Đó là một chế độ ăn kiểu "công nghiệp" nhiều muối và thịt đỏ, nhưng ít trái cây và sữa. Cùng với đó là vấn đề lối sống: Sử dụng rượu, thuốc lá và kém hoạt động thể chất.
|