Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa ngày càng phổ biến của xã hội hiện đại. ĐTĐ góp phần thúc đẩy các bệnh hệ xương khớp xuất hiện sớm hơn, tiến triển nặng hơn hoặc nhanh hơn. Những năm gần đây, người ta đã thấy rõ bệnh ĐTĐ type 1 và type 2 đều làm tăng nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương…
ĐTĐ làm gia tăng các bệnh lí xương khớp và gãy xương
ĐTĐ là một nhóm bệnh chuyển hóa gây tăng đường huyết mạn tính do sự bài tiết insulin bị khiếm khuyết hoặc đề kháng insulin. Tăng đường huyết mạn tính gây ra rối loạn chức năng nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là mắt (bệnh võng mạc ĐTĐ và đục thủy tinh thể), thận (bệnh thận ĐTĐ), dây thần kinh (bệnh thần kinh ĐTĐ), tim mạch (bệnh cơ tim ĐTĐ). Các biến chứng cơ xương khớp của bệnh nhân ĐTĐ thường do tổn thương thần kinh và mạch máu kết hợp với sự suy giảm đề kháng nên cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Mặt khác, mật độ xương của bệnh nhân đái tháo đường thấp hơn 20-30% so với người bình thường cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề cơ xương khớp ở người bệnh ĐTĐ. Ngoài ra, ĐTĐ đã được tìm thấy có liên quan đến các bệnh xương chuyển hóa, loãng xương và gãy xương.
Bệnh ĐTĐ không chỉ làm nặng thêm tình trạng thưa xương và chứng loãng xương, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy yếu bộ xương. Tuy nhiên, sự suy giảm sức mạnh bộ xương khác nhau giữa ĐTĐ type 1 và type 2. Mặc dù cơ chế sinh bệnh có thể khác biệt, nhưng cả 2 loại ĐTĐ đều làm suy giảm sức mạnh của bộ xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.
Ở ĐTĐ type 1, còn gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin, tình trạng thiếu insulin dẫn đến tăng đường huyết ở người trẻ. Bên cạnh các biến chứng thần kinh thông thường, cả bệnh nhân nam và nữ mắc ĐTĐ type 1 biểu hiện khối lượng xương thấp ở khớp hông, cổ xương đùi và cột sống, cuối cùng có thể dẫn đến tăng tỉ lệ gãy xương.
Ngược lại, ở ĐTĐ type 2 (ĐTĐ không phụ thuộc insulin) có sự gia tăng mật độ xương ở cổ xương đùi. Trong khi có khảo sát cho thấy, mật độ xương hông thấp đáng kể ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 khi so sánh với người bình thường cùng lứa tuổi. Hơn nữa, người ĐTĐ type 2 có nguy cơ gãy xương gia tăng tại một số vị trí, bao gồm cột sống và khớp hông. Tuy nhiên, tình trạng gãy xương này có thể là do suy giảm thị lực (do bệnh võng mạc ĐTĐ và đục thủy tinh thể), mất cân bằng dáng đi (do bệnh lí thần kinh ngoại biên) và thừa cân, tất cả đều là những đặc điểm lâm sàng phổ biến ở người ĐTĐ type 2, nên người bệnh dễ té ngã, làm tổn thương và gãy xương. Bệnh lí thần kinh ngoại biên ở ĐTĐ type 2 cũng có thể dẫn đến sự phá hủy cục bộ xương xung quanh các khớp chịu trọng lượng (đặc biệt là ở mắt cá chân và bàn chân), được gọi là bệnh xương khớp Charcot, có thể gây đau, gãy xương và biến dạng khớp.
ĐTĐ type 1 thường xảy ra ở người trẻ trước khi bộ xương đạt được khối lượng xương đỉnh. Trong khi ĐTĐ type 2 thường gặp ở người trưởng thành đã đạt được khối lượng xương đỉnh. Do đó, ĐTĐ type 1 và 2 gây ra các tổn thương về xương ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, ở cả 2 giới tính, mật độ xương ở cổ xương đùi người ĐTĐ type 1 thấp hơn đáng kể so với type 2. Sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng này có thể là do bệnh nhân ĐTĐ type 1 thiếu hụt insulin, đây là yếu tố tạo xương có khả năng kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào tạo xương. Ngoài ra, sự khác nhau về thời gian mắc bệnh của ĐTĐ type 1 và type 2 có thể góp phần vào kết quả và tiên lượng khác nhau trên biến cố về xương.
Nguy cơ gãy xương cao hơn ở người bệnh ĐTĐ
Cả 2 type của bệnh ĐTĐ đều chứa đựng các yếu tố nguy cơ gãy xương do loãng xương. Những bệnh nhân mắc ĐTĐ type 1, nguy cơ gãy xương tăng 1,3-3 lần đối với bất kì gãy xương nào và tăng 2,4 lần đối với gãy xương bàn chân. Nghiêm trọng hơn, nó tăng nguy cơ gãy xương hông lên 6 đến 9 lần.
Hơn nữa, thuốc hạ đường huyết uống thiazolidinediones (TZD) sử dụng trong điều trị bệnh nhân ĐTĐ type 2 trực tiếp làm giảm sự hình thành xương bằng cách định hướng các tế bào gốc trung mô là tế bào mỡ thay vì tạo nguyên bào xương. Thiazolidinediones đã được báo cáo làm tăng nguy cơ gãy xương ở cả nam và nữ.
Ngoài mật độ khoáng xương thấp, một số vấn đề khác như tuổi tác, giới tính, trọng lượng cơ thể, tiền sử gãy xương trước đó, hút thuốc lá, sử dụng corticosteroid và viêm khớp dạng thấp được coi là yếu tố nguy cơ của gãy xương do loãng xương.
Tăng chu chuyển xương, giảm mật độ khoáng xương do cường cận giáp thứ phát ở bệnh thận ĐTĐ cũng là nguyên nhân làm cho bệnh nhân ĐTĐ dễ bị gãy xương. Mặt khác, bệnh thần kinh ngoại biên ĐTĐ gây ra sự bất động của bệnh nhân và giảm mật độ xương, và bệnh thần kinh tự trị làm tăng nguy cơ gãy xương do hạ huyết áp tư thế khiến bệnh nhân dễ té ngã.
VietBF@sưu tập