Chất xơ trong thịt quả bị loại bỏ khi ép làm tăng lượng carbohydrat (carb) và GI. Tiêu thụ quá nhiều carb từ nước ép trái cây có thể làm tăng nhanh đường huyết. Người bị tiểu đường được khuyến khích nên ăn rau và trái cây trực tiếp thay vì uống nước ép trái cây, rau củ. Khi ăn trái cây nguyên quả thường xuyên có thể giảm nguy cơ tiểu đường type 2, trong khi uống nhiều nước ép lại tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Thành phần của nước ép trái cây
Ngoài vitamin C và canxi, nước ép trái cây còn chứa calo: 1 ly nước cam 250ml không đường chứa khoảng 100 calo. 1 quả cam thực tế chỉ có khoảng 60 calo;
Fructose: 500ml nước ép trái cây chứa nhiều đường fructose hơn mức mà WHO khuyến nghị lý tưởng trong ngày (30g đường với nam giới và 24g đường đối với phụ nữ);
Ít chất xơ: Nước trái cây ít chất xơ hơn so với trái cây nguyên quả. Nước trái cây đã qua chế biến có thể không chứa bất kỳ chất xơ nào.
Ảnh hưởng của nước ép trái cây với lượng đường trong máu:
Lượng đường trong nước ép trái cây có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, làm tăng nguy cơ tăng đường huyết (lượng đường trong máu quá cao). Chỉ số đường huyết (GI - dùng để phản ánh lượng đường trong máu của các loại thực phẩm) của nước cam là 66 - 76 trên thang điểm 100. Điều này khiến nước ép trái cây trở thành loại thức uống có GI cao. Theo đó, những người tiểu đường đều được khuyên nên tránh những thực phẩm và đồ uống có GI cao.
Một trường hợp mà nước ép trái cây có thể hữu ích là làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng để can thiệp khi bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu quá thấp).
Lợi ích và bất lợi của nước ép trái cây
Về lợi ích, nước ép trái cây là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên bổ sung vitamin C từ việc ăn trái cây nguyên quả hoặc rau lá xanh. Rau lá xanh có lợi thế hơnnước ép trái cây hoặc trái cây ở điểm chúng ít ảnh hưởng tới tình trạng tăng lượng đường trong máu.
Về mặt hạn chế, nước trái cây chứa nhiều đường fructose. Chế độ ăn uống nhiều fructose có thể khiến gan bị quá tải, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và bệnh tiểu đường tuýp 2. Do đó, nếu uống quá nhiều nước trái cây hoặc uống nước trái cây kết hợp với chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe.
Lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường khi tiêu thụ trái cây
Tốt hơn hết, người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây cả quả thay vì nước ép trái cây bởi trái cây nguyên quả có chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan giúp cải thiện tiêu hóa và làm chậm tốc độ tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, người bị bệnh tiểu đường cũng cần thận trọng khi ăn trái cây nguyên quả bởi nhiều loại trái cây có rất nhiều carbohydrate. Và dù trái cây tốt hơn nước ép trái cây nhưng bệnh nhân cũng chỉ nên ăn với lượng vừa phải.
Uống nước ép trái cây có liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngược lại, ăn quả việt quất, nho, táo và lê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, nếu thay thế việc uống nước trái cây bằng 3 loại quả này thì có thể giảm được 7% nguy cơ mắc tiểu đường. Bưởi và chuối có thể giảm 5% nguy cơ mắc tiểu đường, việt quất giảm tới 26% nguy cơ.
Ngoài ra, các loại nước ép rau có chỉ số đường huyết thấp và chứa ít carbohydrate hơn nước trái cây nên bạn có thể đưa nước ép rau củ vào chế độ ăn của mình. Đặc biệt, quan trọng hơn, một phần chất xơ từ rau củ có thể bị mất đi trong quá trình ép nước nên nếu có thể, bạn nên ăn rau trực tiếp.
Một số loại nước ép trái cây dành cho người tiểu đường
Thực tế, nước vẫn là loại đồ uống hoàn hảo cho bệnh nhân tiểu đường vì nó không có calo, đường hoặc carbs. Tuy nhiên, nếu muốn uống những loại nước trái cây thơm ngon hơn, bạn cũng có thể lựa chọn một số loại đồ uống lành mạnh dưới đây:
Nước cam: Nước cam có vị ngon nhưng 1 cốc nước cam có tới 26g carbs nên nếu có thể, bạn nên ăn cả quả cam để tiêu thụ nhiều chất xơ hơn, giúp no lâu hơn. Còn nếu thực sự muốn uống nước cam, bạn hãy thử loại nước uống trái cây có vị cam dịu nhẹ với 3g carbs, 15 calo;
Nước chanh: Bạn có thể vắt chanh tươi vào cốc nước tinh khiết, thêm chất tạo ngọt không calo và đá để có một loại đồ uống thực sự giải khát mà không có calo hay carbs;
Sinh tố trái cây: Bạn có thể học cách làmcác loại nước ép trái cây mix bằng cách xay nửa cốc quả việt quất, dâu tây và chuối với một ít đá để vừa thưởng thức được một món đồ uống ngon miệng vừa không tiêu thụ quá nhiều đường hay carbs.
Người bị tiểu đường được khuyến khích nên ăn rau và trái cây trực tiếp thay vì uống nước ép trái cây, rau củ. Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi khẩu vị của mình một chút, bạn cũng có thể sử dụng một số loại nước ép trái cây với hàm lượng carbs và đường thấp.
|