Người có mụn đỏ không nhân, viêm và chứa đầy mủ không nên nặn vì dễ nhiễm trùng, để gây sẹo.
Nhiều người có thói quen nặn mụn vì ngứa, muốn nhanh loại bỏ chúng nhưng thực hiện không đúng cách có thể nhiễm trùng, sưng, đỏ ở vùng da xung quanh. Dưới đây là một số loại mụn không nên nặn.
Mụn đỏ không nhân là mụn mủ viêm đỏ, sưng tấy, không có nhân trồi lên trên mà nằm ẩn sâu dưới bề mặt da, chạm vào có cảm giác đau nhức. Mụn này không thuộc nhóm tổn thương sâu nên sẽ lành nhanh chóng mà không để lại sẹo. Do đó, không nên dùng tay nặn mụn mà nên đến bệnh viện để lấy sạch nhân mụn đúng cách.
Mụn mủ có biểu hiện là vết sưng đỏ, chứa mủ, tế bào da chết và dầu thừa. Khi cố nặn, vết thương để lại sẹo, tổn thương lỗ chân lông, nhiễm trùng da và gây cảm giác đau đớn kéo dài. Với loại mụn này, bạn nên dùng thuốc trị mụn bôi lên da hoặc đến bệnh viện.
Mụn bọc là loại mụn nặng nhất với các nang mụn chứa đầy mủ, thường gây đau đớn và dễ để lại sẹo, rất khó điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc phù hợp để mụn nhanh khỏi và không để lại vết sẹo trên da.
Lông mọc ngược có thể gây ra mụn mủ. Nếu cố nặn lấy sợi lông ra ngoài có thể dẫn đến viêm và sẹo. Bác sĩ da liễu có thể sử dụng kim vô trùng để lấy lông mọc ngược.
Tránh nặn mụn ở vùng "tam giác tử thần", bắt đầu từ vị trí đầu sống mũi kéo dài xuống dưới hai khóe miệng, vì chúng có liên hệ chặt chẽ với não bộ. Vùng da này cũng chứa nhiều mạch máu nối với hang xoang nên nặn mụn có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng trong não.
Mụn thường thường tự lành trong khoảng 5-7 ngày. Các loại mụn đầu trắng, mụn đầu đen có thể nặn. Sau bước lấy nhân mụn, nên rửa mặt bằng sản phẩm dịu nhẹ hoặc chườm đá để giảm sưng tấy. Tránh các loại mụn không thấy nhân, mụn bọc nằm sâu dưới da nhằm hạn chế tổn thương cho các mô xung quanh.
Để giảm mụn, nên sử dụng sản phẩm phù hợp với loại da và rửa mặt hai lần một ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn. Tránh sản phẩm chăm sóc da gây kích ứng, chất làm se da, toner và chất tẩy da chết. Người có da đầu dầu nên gội đầu thường xuyên và không để tóc dính vào mặt. Vì lượng dầu từ tóc góp phần gây mụn trứng cá trên mặt và cổ.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi ra ngoài, sử dụng kem chống nắng và tránh sử dụng giường tắm nắng. Tập thể dục để tăng cường trao đổi chất, uống đủ nước và ăn đa dạng thực phẩm.
|