Ngân hàng SCB sai phạm ở tất cả nội dung thanh tra nên từ chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, SCB đã chi tiền "đi đêm" cho toàn bộ thành viên đoàn thanh tra.
Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm Ngân hàng SCB, xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Sau đó, chỉ đạo các nhân sự ở SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống, rút tiền từ Ngân hàng SCB.
Lũy kế giai đoạn 2012-2022, Ngân hàng SCB đã cho Vạn Thịnh Phát vay hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, CQĐT xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại 130.000 tỉ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt hại 64.000 tỉ đồng ở hành vi vi phạm quy định hoạt động ngân hàng.
Theo báo Thanh Niên, đoàn thanh tra liên ngành tại SCB được thành lập với 18 thành viên vào tháng 8/2017, gồm 9 người thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, 2 người thuộc Kiểm toán Nhà nước, 4 người thuộc Thanh tra Chính phủ, 3 người thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Thực tế cho thấy, SCB sai phạm ở tất cả nội dung thanh tra. Tuy nhiên, từ chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, SCB đã chi tiền "đi đêm" cho toàn bộ thành viên đoàn thanh tra, nhằm bưng bít sai phạm. Hậu quả, vụ án không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã cáo buộc các thành viên trong Đoàn thanh tra đã có sai phạm nghiêm trọng, đồng thời nhận "quà" từ nhóm Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng SCB.
Tất cả 18 người trong Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB được xác định đã nhận tiền, lợi ích vật chất từ bà Lan và SCB. Tuy nhiên có 7 người không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Cụ thể gồm: Ông Lại Văn Bách, bà Bùi Vũ Hồng Trang, bà Phạm Thị Thùy Linh (cùng thuộc Kiểm toán Nhà nước); ông Phạm Quốc Linh, Phạm Hồng Linh, bà Nguyễn Lan Hương (cùng thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) và bà Nguyễn Hà Linh (cán bộ Thanh tra Chính phủ), báo Dân Trí đưa tin.
Những người nêu trên không bị xử lý hình sự vì các lý do sau:
Quá trình tham gia đoàn thanh tra, họ là cấp dưới, chỉ là thành viên đoàn thanh tra, chỉ tham gia một phần việc. CQĐT kết luận quá trình thanh tra, những người này đã báo cáo đầy đủ, trung thực về những sai phạm tại Ngân hàng SCB.
Vietnamnet cho biết, CQĐT đánh giá tính chất, mức độ hành vi của họ là thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của bà Đỗ Thị Nhàn và họ đều không có chức vụ trong quá trình thanh tra.
Quá trình làm việc với CQĐT, những người này đã thành khẩn khai báo về sai phạm và việc nhận tiền, tích cực hợp tác giúp nhanh chóng làm rõ vụ án.
Bên cạnh đó, những thành viên này không được bà Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra - người nhận "hối lộ" 5,2 triệu USD) phân công nhiệm vụ tổng hợp số liệu chung về thực trạng tài chính, nợ xấu và các sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB.
Khi ký biên bản họp Đoàn Thanh tra, họ cũng chỉ được tham gia ý kiến đối với phần việc thực hiện nên không biết toàn bộ nội dung kết quả thanh tra, không biết thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm nghiêm trọng của SCB.
Tại CQĐT, lời khai của những người này phù hợp lời khai của các thành viên khác, phù hợp với lời khai của ông Võ Hoàng Tấn Văn về việc chỉ đạo nhân viên SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên "bình thường" trong đoàn mỗi lần từ 30-50 triệu đồng/người.
Tất cả 7 người này đã chủ động nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB trước khi vụ án được khởi tố.
Do đó, "không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền để đảm bảo tính răn đe của pháp luật" - báo Pháp luật HCM dẫn nguồn kết luận điều tra nêu.
VietBF@ Sưu tập