Rau cải cúc (hay còn gọi là rau tần ô) khi vào vụ được nhiều người lựa chọn trong thực đơn gia đình. Cải cúc dễ trồng, dễ chế biến, giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh tốt với một số bệnh thông thường.
Hạ huyết áp
Khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc thì người bệnh cần ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích... Ngoài ra, chế độ ăn hàng ngày nếu đúng vụ nên bổ sung thêm rau cải cúc. Axit amin và tinh dầu có trong cải cúc có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giáng áp.
Làm sạch máu, ngăn ngừa thiếu máu
Rau cải cúc rất giàu sắt và canxi, có thể giúp cơ thể sản xuất ra máu mới và tăng độ dẻo dai của xương. Do đó, loại rau này rất tốt cho người già để ngăn ngừa thiếu máu và bệnh loãng xương.
Bên cạnh đó, rau cải cúc còn có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa protein, bổ sung các vitamin cần thiết cho quá trình tạo máu như axit folic và đồng nguyên tố vi lượng. Vậy thế, rau cải cúc cũng nên được bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ em trong giai đoạn phát triển, vì nó có thể bổ sung các tác nhân tạo máu để ngăn ngừa thiếu máu.
Tiêu sưng, lợi tiểu
Lượng axit amin, chất béo, protein và nồng độ natri cao cùng kali và các khoáng chất khác trong cải cúc có thể điều chỉnh sự trao đổi chất trong cơ thể, loại bỏ phù nề, lợi tiểu.
Dưỡng tim
Theo một số nghiên cứu, cải cúc có chứa 4 thành phần dược liệu phù hợp với người đang điều trị bệnh tim, giúp tim mạch khỏe hơn. Đặc biệt, mùi hương đặc trưng của cải cúc còn có tác dụng dưỡng tim.
Trị đau đầu kinh niên
Lấy một ít cải cúc già, những cây có hoa thì càng quý, giữ cả phần rễ cây đem nấu lấy nước, mỗi ngày dùng độ 30g nước đã nấu này. Ngoài ra dùng lá cải cúc hơ nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ (hoặc mỗi khi thấy nhức đầu).
Một cách trị đau đầu khác là: Lá 10-15 gam cải cúc cho vào máy xay, sắc uống nóng. Tiếp đó nếu thấy không thuyên giảm thì uống liền những ngày tiếp theo hoặc đắp lá cải cúc mỗi khi rảnh rỗi.
Giải cảm, chữa chứng ho dai dẳng
Để chữa ho dai dẳng: Lấy 100 – 150g rau cải cúc, phổi lợn 200g thái thành miếng, dùng nấu thành canh ăn cả cái lẫn nước cùng bữa cơm, ăn trong 3 – 4 ngày là 1 liệu trình.
Để giải cảm: lấy 150g cải cúc tươi, rửa sạch cho ráo nước sau đó cho vào bát to, đổ cháo đang sôi lên trên để 5-10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn, ngày ăn 2-3 lần. Bài thuốc này vừa đơn giản lại có tác dụng giải cảm nhanh.
Thanh phổi, tiêu đờm, giảm ho
Rau cải cúc giàu vitamin A, thường xuyên đưa loại rau này vào thực đơn hàng ngày có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng hệ thống hô hấp, thanh phổi, tiêu đờm. Hương thơm đặc biệt của cải cúc có thể giúp giảm ho, giảm hen suyễn.
Gây tụt huyết áp
Rau cải cúc có thể dùng làm thuốc để điều trị cho người bị cao huyết áp. Tuy nhiên, nếu bạn là người huyết áp thấp thì không nên ăn rau cải cúc vì có thể khiến bạn bị tụt huyết áp. Một số trường hợp huyết áp tương đối bình thường nhưng nếu ăn quá nhiều rau cải cúc thì cũng có thể bị tụt huyết áp nhẹ.
Rối loạn tiêu hóa
Rau xanh rất tốt cho tiêu hóa nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ gây ra tác dụng ngược. Cải cúc cũng vậy, nếu ăn vừa phải thì không sao nhưng ăn nhiều thì sẽ khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu. Nguyên nhân vì hàm lượng chất xơ trong rau xanh khá lớn. Chất xơ khi vào dạ dày sẽ đóng vai trò như một màng lọc giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, chất xơ trong dạ dày quá lớn sẽ cản trở tiêu hóa gây ra hiện tượng khó tiêu, đầy bụng.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên ăn rau cải cúc
Rau cải cúc có chứa nhiều chất xơ và các vitamin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong rau tần ô vẫn có một số chất khó tiêu nên trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên hạn chế ăn rau cải cúc. Nếu các bạn muốn dùng rau cải cúc để chữa ho cho trẻ thì cũng không nên áp dụng đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mà nên cho trẻ đi khám bác sĩ.
Bị tiêu chảy, cảm lạnh, lạnh bụng không nên ăn rau cải cúc
Khi bạn gặp vấn đề về tiêu hóa như bị tiêu chảy thì lời khuyên là cũng không nên ăn rau cải cúc vì có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Lý do thì theo như y học cổ truyền nhận định rau tần ô là loại rau có tính mát (tính hàn) và vị đắng. Khi bị tiêu chảy, các bạn không nên tránh ăn các thực phẩm có tính hàn và vị cay (đắng) nếu không muốn tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.
Tương tự, những bạn bị lạnh bụng hay bị cảm lạnh, thương hàn thì nên hạn chế ăn rau tần ô sẽ không tốt cho cơ thể. Nếu bạn vẫn muốn ăn rau tần ô thì tốt nhất là nên đợi cơ thể khỏe hơn hoặc khi nấu nên cho thêm 1 lát gừng vào sẽ giúp cân bằng tính hàn có trong rau.
|