Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã có bài viết chia sẻ về chuyến thăm lần này. "4 kiên trì" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
"Đây sẽ là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng''.
Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai chung. Với lý tưởng chung, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước kết mối giao tình, thấu hiểu lẫn nhau, chung tay gây dựng mối tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Năm nay là kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt. Cho dù tình hình quốc tế diễn biến thế nào, hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam luôn cùng nỗ lực gìn giữ hòa bình an ninh, cùng mong muốn hợp tác phát triển, cùng tạo dựng phồn vinh giàu mạnh, đi tới con đường tươi sáng cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại.
"Chúng ta kiên trì tin cậy lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau như họ hàng thân thiết. Năm nay, tôi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi mật thiết, cùng định hướng tổng thể cho phát triển quan hệ Trung - Việt thời đại mới từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung - Việt xác lập định vị mới, bước vào giai đoạn mới", Chủ tịch Trung Quốc viết.
Khía cạnh tiếp theo ông Tập Cận Bình nêu ra là Trung - Việt "kiên trì hài hòa lợi ích". Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu.
Hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam như rau quả rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Nguyên liệu và thiết bị máy móc do Trung Quốc xuất khẩu đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành chế tạo Việt Nam.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt hành khách. Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, nhà máy điện mặt trời và điện gió do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đóng góp cho sự phát triển và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam…
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung - Việt "kiên trì hữu nghị, thân thiết". 10 tháng đầu năm, có hơn 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, khu du lịch hợp tác qua biên giới Trung - Việt thác Đức Thiên - Bản Giốc đã được đưa vào vận hành thí điểm.
Các tác phẩm kinh điển truyền thống Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến, các tác phẩm truyền hình đương đại, âm nhạc, văn hoá Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc.
Khía cạnh cuối cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc nhắc đến là Trung - Việt "kiên trì đối xử chân thành". Hai bên ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm trọng đại của nhau, phối hợp mật thiết trong các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Phía Việt Nam tích cực tham gia Nhóm bạn bè Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, ủng hộ Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
"Năm nay là 10 năm kể từ khi tôi đề xuất khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến cùng nhau xây dựng 'Vành đai và Con đường' và chính sách ngoại giao láng giềng 'Thân, Thành, Huệ, Dung'. Để xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ châu Á", ông Tập Cận Bình khẳng định.
Nhắc tới một bài hát nổi tiếng của Trung Quốc với ca từ "châu Á chúng ta, rễ cây đều liên kết với nhau; châu Á chúng ta, đám mây cũng bắt tay nhau", ông Tập Cận Bình khẳng định "châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt".
"Trung Quốc sẵn sàng gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của các nước láng giềng, cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với các nước láng giềng, để mỗi bên đều có cuộc sống tươi đẹp".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc cũng đề xuất các biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Trong đó có duy trì trao đổi chiến lược, củng cố nền tảng chính trị vững chắc cho cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam, kiên định ủng hộ lẫn nhau đi lên con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình mỗi nước.
Hai bên cũng cần phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau, tăng cường nền tảng hợp tác thực chất, phát huy đầy đủ ưu thế vị trí địa lý gần gũi và ngành nghề bổ sung cho nhau.
Ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến việc đẩy nhanh hợp tác và kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai", không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như kết nối giao thông, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng sạch, khoáng sản then chốt...
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, trong bối cảnh thế giới hiện nay, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới.
"Tương lai của châu Á nằm trong tay người dân châu Á chúng ta", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng rằng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược sẽ thu hút càng nhiều quốc gia tham gia vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á và cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, mang đến năng lượng tích cực cho sự phát triển lâu dài và tình láng giềng hữu nghị của khu vực châu Á, đóng góp lớn hơn nữa cho sự hòa bình và phát triển của thế giới.