Rối loạn nuốt sau đột quỵ làm tăng các biến chứng như hít sặc gây viêm phổi, suy dinh dưỡng nên việc can thiệp phục hồi chức năng rất quan trọng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Tổng quan
- Rối loạn nuốt là cảm giác "mắc kẹt" hay tắc nghẽn đường đi của thức ăn qua miệng, họng, thực quản.
- Tỷ lệ rối loạn nuốt dao động từ 19% đến 65% khả năng trong giai đoạn sau đột quỵ.
Triệu chứng
- Ho hoặc sặc khi ăn, uống. Có thể đồng thời ho và sặc.
- Thức ăn dính lại ở họng, thường xuyên phải hắng giọng để làm sạch họng.
- Chảy nước dãi.
- Ăn hay nghẹn, nuốt chậm.
- Thay đổi giọng nói sau ăn, uống (khàn, ông ổng, líu ríu...).
- Không nhai được hoặc thở gấp khi ăn, uống.
- Sút cân nếu rối loạn nuốt kéo dài.
Biến chứng
- Nguy cơ hít sặc gây viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất của rối loạn nuốt.
- Rối loạn nuốt có liên quan với khiếm khuyết cảm giác hầu họng, 100% bệnh nhân rối loạn nuốt có mất cảm giác hầu họng một hay hai bên.
- Vệ sinh răng miệng kém, giảm sức đề kháng.
- Người bệnh rối loạn nuốt dễ bị thiếu nước và suy dinh dưỡng.
- Giảm chất lượng cuộc sống và cô lập với xã hội.
Chế độ dinh dưỡng
- Rối loạn phản xạ nuốt nặng:
* Không ăn, uống đường miệng.
* Cho ăn qua sonde dạ dày, nội soi mở thông dạ dày qua da.
* Nuôi dưỡng tĩnh mạch.
- Rối loạn phản xạ nuốt trung bình:
* Ăn đồ đặc mịn, nước uống ngụm nhỏ, bổ sung thêm qua sonde dạ dày, dinh dưỡng tĩnh mạch.
* Chế độ tùy từng cá thể.
- Không rối loạn phản xạ nuốt: Ăn bình thường, tuy nhiên lần đầu vẫn cần được giám sát.
Điều trị
Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ xác định khiếm khuyết trong quá trình nuốt, từ đó lựa chọn và phối hợp các biện pháp can thiệp nhằm phục hồi chức năng nuốt. Các biện pháp can thiệp gồm kỹ thuật bù trừ (compensation), bài tập nuốt (swallowing exercises), hỗ trợ phục hồi chức năng, thủ thuật điều trị xâm nhập.
- Tư thế thích hợp khi nuốt gồm: gập cằm và quay đầu về bên liệt. Gập cằm áp dụng khi chậm nuốt pha hầu và giảm bảo vệ đường thở, nhằm làm hẹp đường vào thanh quản, giảm khoảng cách giữa nắp thanh môn và vách hầu giúp nắp thanh môn đóng kín hơn.
- Tập nâng đầu: Bài tập nhằm cải thiện mở cơ thắt để làm giảm ứ đọng thức ăn khi nuốt. Người bệnh nằm trên giường, nâng đầu lên khỏi giường vài giây, lặp lại 20 lần.
- Kỹ thuật tăng nhận thức cảm giác bao gồm thay đổi nhiệt độ thức ăn, carbonate hóa thức uống, thức ăn chua nhằm cải thiện cảm giác miệng - hầu, tùy thuộc mức độ rối loạn nuốt mà có chế độ ăn thích hợp.
* Mức độ 1: Chế độ ăn nhão (dysphagia pureed).
* Mức độ 2: Chế độ ăn mềm không bao gồm thành phần rắn (dysphagia mechanically altered).
* Mức độ 3: Chế độ ăn mềm, bao gồm thành phần rắn (dysphagia advanced).
* Mức độ 4: Chế độ ăn bình thường (regular).
- Một số kỹ thuật nín thở khi nuốt.
- Các biện pháp phối hợp hỗ trợ phục hồi chức năng (PHCN) nuốt gồm:
* Châm cứu.
* Thuốc (metoclopramide).
* Kích thích điện thần kinh - cơ (NMES).
* Kích thích điện vùng hầu (pharyngeal electrical stimulation).
* Kích thích điện xuyên sọ (tDCS).
* Kích thích từ xuyên sọ (transcranial magnetic stimulation).
VietBF@sưu tập
|