Đồng đô la kết thúc năm 2023 với mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020 trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào năm tới khi lạm phát dịu lại.
Trong năm nay 2023, đồng đô la Mỹ giảm gia so với một rổ ngoại tệ mạnh gồm euro, yen Nhật Bản, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, hôm 29-12, chỉ số DXY, đo lường biến động giá đồng bạc xanh so với một rổ ngoại tệ mạnh gồm euro, yen Nhật Bản, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ, tăng 0,1% lên mức 101,36 điểm và giảm 2% nếu tính cả năm. Đồng euro giảm 0,2% so với đô la Mỹ nhưng ghi nhận mức tăng 3,1% trong năm nay, đánh dấu năm tăng giá đầu tiên kể từ năm 2020. Đồng bảng đạt mức tăng 5,2% hàng năm, hiệu suất tốt nhất kể từ năm 2017.
Các câu hỏi đối với nhà đầu tư cho năm 2024 sẽ là khi nào Fed bắt đầu giảm lãi suất và liệu lần giảm lãi suất đầu tiên được thực hiện là nhằm tránh thắt chặt quá mức khi lạm phát giảm nhanh, hay do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại nhanh chóng. Với việc các thị trường đang dự báo Fed giảm lãi suất mạnh mẽ, cuộc tranh luận cũng tập trung vào việc đồng đô la có khả năng giảm thêm bao nhiêu.
Tốc độ giảm giá của đồng đô la nhanh hơn khi Fed bất ngờ phát tín hiệu ôn hòa, và dự báo sẽ giảm lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản vào năm 2024 tại cuộc họp chính sách hồi tháng 12.
“Chúng tôi đã quá thận trọng về kỳ vọng chu kỳ giảm lãi suất sắp tới của Fed”, Brad Bechtel, người đứng đầu bộ phận ngoại hối toàn cầu của ngân hàng Jefferies ở New York, nói.
Tuy nhiên, các thị trường đang định giá đồng đô la dựa trên kỳ vọng Fed thậm chí còn giảm lãi suất mạnh mẽ hơn, lên tới 154 điểm cơ bản vào năm tới, với lần giảm đầu tiên có thể xảy ra vào tháng 3.
Thông điệp của Fed trái ngược với các ngân hàng trung ương lớn khác, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE), vốn khẳng định họ sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Nhưng Brad Bechtel cho rằng, ECB và BoE rốt cục sẽ phải giảm lãi suất sớm hơn dự kiến vì tăng trưởng của châu Âu và Anh đang gặp khó khăn quá nhiều và lạm phát đang giảm tương đối nhanh.
“Nếu cả ba ngân hàng trung ương lớn này đều giảm lãi suất, đồng đô la sẽ rất khó suy yếu đáng kể”, Bechtel nhận định.
Theo Niels Christensen, nhà phân tích của ngân hàng Nordea (Phần Lan), thị trường đang mong đợi một đợt giảm lãi suất sớm hơn ở Mỹ và ít chắc chắn ECB sẽ giảm lãi suất nhanh chóng. Ông cho rằng đó là lý do tại sao đồng đô la suy yếu nhanh.
“Chúng ta cũng đang chứng khiến khẩu vị rủi ro tăng lên, đây là một điều tiêu cực khác đối với đồng đô la (vốn được xem là tài sản an toàn). Bước sang năm 2024, tình trạng đô la suy yếu sẽ là chủ đề trong các cuộc họp của ngân hàng trung ương vào tháng 3”, Christensen nói thêm.
Tại các cuộc họp chính sách trong tháng này, các nhà hoạch định chính sách tại ECB và BoE đã không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự báo ECB sẽ giảm lãi suất tổng cộng 161 điểm cơ bản trong năm tới, và có thể tiến hành hai đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 4. BoE cũng được dự báo cắt giảm lãi suất 148 điểm cơ bản trong năm 2024.
“ECB nổi tiếng là chậm thay đổi chính sác, nên hai lần cắt giảm lãi suất vào tháng 4 nghe có vẻ quá quyết liệt, ngay cả khi đó có thể là điều đúng đắn nên làm”, CJ Cowan, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quilter Investor, nói.
Trong năm nay, đồng yen là một ngoại lệ, giảm giá khoảng 7% so với đô la. Đồng tiền của Nhật Bản giảm giá đến 20% kể từ năm 2021 do chịu áp lực từ lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Tuy nhiên, năm 2024 có thể là năm của đồng yen. Đồng tiền Nhật Bản đã tăng giá khoảng 7% so với đô la kể từ giữa tháng 11, một phần vì thị trường đang kỳ vọng BoJ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm vào năm 2024, dù BoJ cung cấp rất ít manh mối về việc liệu một kịch bản như vậy có thể diễn ra hay không và bằng cách nào.
“Triển vọng của Nhật Bản rất đáng khích lệ trong năm 2024, với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lạm phát có dấu hiệu bền vững”, Aadish Kumar, chuyên gia kinh tế quốc tế của Công ty quản lý đầu T. Rowe Price, nhận xét.
Japan Times dẫn dự báo của tám nhà phân tích thị trường nổi tiếng, cho rằng đồng đô la có thể giảm xuống mức 1 đô la đổi 130 yen vào năm 2024 trong bối cảnh chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ thay đổi. Trong phiên gia dịch cuối tuần qua, tỷ giá của đô la so với yen là 1 đổi 141,4. Tuy nhiên, khả năng đồng yen tiếp tục suy yếu vẫn có thể xảy ra nếu lãi suất của Mỹ tăng trở lại do lạm phát có thể tăng ở nước này. Theo Akira Moroga, nhà phân tích của ngân hàng Aozora, trong kịch bản đó, đồng yen có thể suy yếu về mức khoảng 150 yen đổi 1 đô la.