Móng tay giòn, tụt nướu, lực cầm nắm yếu hơn hoặc chiều cao giảm dần có thể cảnh báo xương có vấn đề.
Khi già đi, các quá trình của cơ thể chậm lại, mật độ xương và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng giảm, dẫn đến loãng xương và mất xương. Người bệnh có thể bị đau lưng, thường khom lưng, giảm chiều cao và xương dễ gãy. Dưới đây là những dấu hiệu yếu xương.
Móng tay dễ gãy
Móng tay giòn vì nhiều lý do, nhưng hai tình trạng nổi bật nhất là thiếu hụt collagen và canxi. Collagen là loại protein hỗ trợ làn da, mô liên kết và bộ xương. Canxi là khoáng chất không thể thiếu đối với sức khỏe xương. Gãy móng tay với tần suất nhiều hơn bình thường có thể là dấu hiệu mất xương.
Mỗi người nên bổ sung thực phẩm như quả mọng, rau xanh, đậu nành và cam quýt nhằm tăng hàm lượng collagen trong cơ thể. Ngoài uống sữa, canxi cũng có thể có trong các loại rau lá xanh đậm và cá mòi.
Tụt nướu
Khi xương hàm yếu đi, nướu có thể tách ra khỏi răng. Người lớn tuổi nên khám nha khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe nướu. Ngay cả khi không gặp vấn đề nướu, mỗi người vẫn nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên, có thể tăng cường cơ hàm bằng cách nhai kẹo cao su.
Giảm chiều cao
Giảm chiều cao có liên quan đến lão hóa xương, cơ, khớp, là dấu hiệu của loãng xương. Ở độ tuổi 40, trung bình một người thường giảm khoảng 1 cm cứ sau 10 năm. Tình trạng này còn nhanh hơn sau tuổi 70. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân do sụn giữa các xương mòn đi theo thời gian, mất mật độ khoáng xương, gãy xương cột sống hoặc khoảng cách giữa các đốt sống.
Bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống và tăng hấp thụ vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia để làm chậm quá trình lão hóa xương.
Lực cầm nắm kém
Theo nghiên cứu năm 2011 của Trường Đại học Nam Úc và Đại học Adelaide, Australia, bài kiểm tra lực nắm tay có mối liên hệ trong việc xác định mật độ khoáng xương tổng thể ở phụ nữ sau mãn kinh. Vì phụ nữ có lực nắm yếu thường thiếu sức mạnh cơ bắp và không có khả năng giữ thăng bằng.
Điểm yếu ở xương bàn tay cũng có thể báo hiệu các khu vực của bàn tay, bao gồm đầu ngón tay, đốt ngón giữa của mỗi ngón tay, khớp nối và cổ tay bị ảnh hưởng. Phái đẹp nên tăng sức cầm nắm để rèn luyện sức mạnh, bảo vệ xương.
Chuột rút, đau cơ và đau xương
Cơ thể hay đau nhức có thể do thiếu vitamin D, dễ loãng xương. Thường xuyên bị chuột rút cơ bắp là dấu hiệu thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Tình trạng chuột rút ở chân xảy ra vào ban đêm thường cho thấy nồng độ canxi, magie hoặc kali trong máu quá thấp. Nếu không sớm khắc phục, kéo dài thời gian có thể dẫn đến mất xương.
|