Ăn chế độ Địa Trung Hải, tập tạ, bỏ thuốc lá... là những gợi ý từ bác sĩ tim mạch để kéo dài tuổi thọ.
Các loại thực phẩm trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Ảnh: iStock
1. Ăn chế độ Địa Trung Hải
Bác sĩ tim mạch và huấn luyện viên cá nhân, tiến sĩ Mohammed Alo, người Anh, cho hay: "Việc thay đổi chế độ ăn uống trở nên lành mạnh hơn là điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe".
Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu. Nó cũng bao gồm một lượng vừa phải protein nạc như cá, thịt gà và các loại thực phẩm ít chất béo. Đồng thời, dầu ô liu được sử dụng để thay thế các loại dầu và chất béo khác trong chế độ ăn uống.
Lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ, giảm huyết áp và nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư.
2. Nâng tạ
Tiến sĩ Alo cho biết: "Bạn sẽ có nhiều cơ bắp hơn và chỉ số VO2 tối đa cao hơn thực sự góp phần kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe". VO2 là lượng oxy tối đa cơ thể có thể sử dụng trong quá trình tập luyện.
Một nghiên cứu năm 2018 trên tờ Frontiers in Bioscience cho thấy việc tăng VO2 tối đa có thể giúp duy trì tốt sức khỏe và thể chất trong những năm cuối đời.
3. Duy trì, tiệm cận chỉ số BMI lý tưởng
Chỉ số BMI (Body Mass Index) hay chỉ số khối cơ thể, chỉ số thể trọng, là công cụ thường được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành. Tiến sĩ Alo gợi ý bạn duy trì hoặc cố gắng đạt được càng gần chỉ số BMI lý tưởng càng tốt.
Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức:
BMI = W/ [(H)2]
Trong đó:
- BMI đơn vị thường dùng là kg/m2
- W là cân nặng (kg)
- H là chiều cao (m)
Chỉ số BMI bình thường dao động trong khoảng 18,5-24,9, con số này cho thấy bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng.
Nếu chỉ số BMI cao hơn con số trên, bạn có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Tổ chức Tim mạch Anh cho biết những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, một số bệnh ung thư cũng như các bệnh về tim và tuần hoàn như đau tim, đột quỵ và mất trí nhớ.
4. Bỏ thuốc lá
Theo Báo cáo của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật năm 2014 tại Anh, hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch (CVD) và khoảng 1/4 số ca tử vong do CVD.
5. Ngủ ngon hơn
Tiến sĩ Alo cho biết: "Những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày có sức khỏe tốt hơn về lâu dài so với những người không ngủ". Thiếu ngủ có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính, bao gồm bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, béo phì và trầm cảm.
6. Giảm căng thẳng
Các nghiên cứu cho thấy nồng độ cortisol cao do căng thẳng kéo dài có thể làm tăng cholesterol trong máu, lượng đường trong máu và huyết áp - những yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh tim. Hoạt động thể chất nhiều hơn, ăn uống cân bằng và thực hành chăm sóc bản thân, như đi dạo bên ngoài hoặc tắm, là một số cách có thể giải tỏa căng thẳng. Nếu gặp khó khăn trong việc giải quyết căng thẳng, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ.