Các ngân hàng của Nga ghi nhận mức lãi cao kỷ lục trong năm ngoái nhờ làn sóng vay thế chấp mua nhà được chính phủ trợ cấp lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay để mua lại tài sản của các nhà đầu tư phương Tây rời khỏi nước này.Theo báo cáo mới đây của ngân hàng trung ương Nga (CBR), hệ thống nhà băng của nước này đạt tổng lãi kỷ lục 3.300 tỉ rúp (37 tỉ đô la) trong năm 2023, tăng khoảng 16 lần so với năm trước. Hồi giữa tháng này, Sberbank, ngân hàng có quy mô lớn nhất Nga đã công bố lợi nhuận ròng kỷ lục 1.490 tỉ rúp (16,87 tỉ đô la) trong năm 2023, đánh dấu mức tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Các ngân hàng Nga lãi đậm bấp chấp một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập hệ thống tài chính Nga như một hình phạt cho cuộc chiến mà Moscow phát động ở Ukraine.
Alexander Danilov, người đứng đầu bộ phận quản lý ngân hàng của CBR nhận xét, kết quả trên “có phần bất ngờ”. Vào tháng 3-2023, bộ phận này dự báo lợi nhuận của lĩnh vực ngân hàng trong năm 2023 chỉ khoảng hơn 1.000 tỉ rúp (11 tỉ đô la Mỹ).
Trước đó, lợi nhuận của các ngân hàng Nga giảm gần 90% vào năm 2022 khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính của Nga. Nhưng lợi nhuận kỷ lục của ngành ngân hàng trong năm ngoái đã cho thấy khả năng chống chịu tương đối tốt của nền kinh tế Nga trước những biến động thương mại. Hôm 30-1, Quỹ Tiền tệ (IMF) nâng dự báo nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn gấp đôi so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10.
Phần lớn ngân hàng của Nga đã bị cắt khỏi hệ thống thanh thanh toán quốc tế Swift. Các ngân hàng Nga cũng bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận thị trường vốn phương Tây do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, khối lượng cho vay thế chấp tăng 34,5% là lý do chính giúp thu nhập của các ngân hàng tăng vọt. Trong năm qua, người dân Nga đổ xô vay thế chấp để tận dụng chương trình trợ cấp lãi suất của chính phủ. Dù lãi suất cơ bản của CBR đứng ở mức 16% sau 5 đợt tăng nhưng lãi suất chung trên thị trường vay thế chấp ở Nga chỉ khoảng 14%.
Bên cạnh đó, các khoản vay được chính phủ trợ cấp để mua chỉ ở mức 8%, thậm chí là 6% đối với các gia đình trẻ. Phần chênh lệch so với lãi suất thị trường được ngân sách nhà nước chi trả. CBR cho biết, các khoản vay thế chấp được trợ cấp chiếm hơn một nửa số khoản vay mua nhà mới trong năm 2023.
Theo báo cáo của CBR, người dân Nga đang gấp rút vay thế chấp có trợ cấp vì lo chương trình này sẽ không được kéo dài sau mùa hè tới hoặc để nhanh chóng đầu tư vào bất động sản.
Các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý của Nga lo ngại, các khoản vay thế chấp trợ cấp đang phản tác dụng khi làm giá nhà tăng cao thay vì kích thích nhu cầu. Ông Alexander Danilov nhìn nhận, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực vay thế chấp đang tăng trưởng quá nóng.
Năm ngoái, Thống đốc CRB Elvira Nabiullina đã kêu gọi chấm dứt một phần chương trình vay thế chấp được trợ cấp. Bà cảnh báo chương trình này đang làm suy yếu nỗ lực của CBR nhằm hạ nhiệt nhu cầu và lạm phát.
“Nếu chính phủ không hạn chế và nhắm mục tiêu cho các chương trình vay thế chấp được trợ cấp, tác động của lãi suất cơ bản đối với nền kinh tế sẽ yếu đi đáng kể. Do đó, CBR có thể phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn”, bà Elvira Nabiullina nói.
Một yếu tố khác góp phần vào sự bùng nổ tín dụng trong nước vào năm ngoái là hoạt động cho vay đối với những bên mua lại tài sản từ các công ty quốc tế ở Nga. Bởi các nhà đầu tư này bị buộc phải bán tài sản ở Nga do lệnh trừng phạt hoặc bị nhà nước tịch thu.
Báo cáo này cũng cho biết, tín dụng doanh nghiệp của các ngân hàng tăng tổng cộng hơn 20% vào năm 2023. Trong đó, có 500 tỉ rúp cho vay mới liên quan đến các giao dịch mua tài sản của các công ty nước ngoài rời khỏi Nga. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng Nga cũng tăng trưởng 15,7% hồi năm ngoái.
Kể từ khi gửi quân đến Ukraine vào tháng 2-2022, Moscow chứng kiến làn sóng vốn nước ngoài rút đi. Vì vậy, Nga phụ thuộc nhiều hơn vào các ngân hàng trong nước để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ và tư nhân.
Báo cáo của CBR cho biết thêm, nguồn vốn và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Nga cũng được cải thiện khi chi phí rủi ro giảm khi quy định quản lý được nới lỏng và đồng rúp được định giá lại.
“Lĩnh vực ngân hàng của Nga có vẻ ổn định và tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo rủi ro nào vào lúc này. Lĩnh vực này đang tích lũy tiền trở lại. Nếu nền kinh tế Nga phải đối mặt với thêm một cú sốc bên ngoài, các ngân hàng Nga có thể triển khai vùng đệm vốn và chính phủ sẽ không phải chi tiền để cứu họ”, Alexandra Prokopenko, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Carnegie Russia Eurasia nhận định.
|