Quyết định mua Twitter của Elon Musk được cho là xuất phát từ mong muốn chặn một tài khoản, nhưng bị mạng xã hội này từ chối.
Câu chuyện về quá trình sở hữu X, trước đây là Twitter, được hé lộ nhiều chi tiết mới qua cuốn sách Battle for the Bird (Cuộc chiến vì con chim) của nhà báo Kurt Wagner, dự kiến phát hành ngày 20/2. Theo Wagner, việc tài khoản Twitter tên ElonJet chuyên theo dõi và đăng lịch trình máy bay riêng của Musk là chất xúc tác khởi nguồn cho quyết định này của tỷ phú.
Trong bài đăng trên X cuối tuần qua, Wagner cho biết vào tháng 1/2022, Musk phàn nàn với Parag Agrawal, CEO Twitter khi đó, về tài khoản trên và muốn nó sẽ bị gỡ bỏ. "Parag không làm gì cả. Cuối tháng đó, Musk bắt đầu mua cổ phiếu Twitter", Wagner nói.
Các tranh cãi giữa Musk và ElonJet từng xuất hiện nhiều lần trên mạng xã hội. ElonJet đứng sau bởi sinh viên đại học Jack Sweeney, người thường lan truyền thông tin lịch trình chuyến bay của người nổi tiếng. Dù đây là thông tin công khai, hành động của Sweeney bị người nổi tiếng lên án.
Gần một năm sau, Musk cuối cùng chi 44 tỷ USD để sở hữu hoàn toàn Twitter. CEO Parag Agrawal bị sa thải. Tài khoản ElonJet cũng bị cấm vĩnh viễn, dù trải qua nhiều lần bị chặn, rồi được mở, sau đó bị cấm lại. Sweeney cũng từng cho biết tài khoản gặp vấn đề sụt giảm lượng tiếp cận sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Anh hiện chuyển sang Threads của Meta để tiếp tục hoạt động.
Elon Musk tại một sự kiện ở Anh vào tháng 11/2023. Ảnh: AP
Theo Gizmodo, mối thù với Sweeney là một điển hình cho các yếu tố có thể tác động đến quyết định của Musk. Tỷ phú này từng khẳng định mong muốn biến Twitter thành nơi của tự do ngôn luận. Ông cũng từng cam kết "không cấm tài khoản của Sweeney dù chúng gây ra rủi ro trực tiếp cho an toàn cá nhân". Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn ngược lại. "Tự do ngôn luận rất quan trọng với ông ấy, nhưng không quan trọng bằng việc làm theo ý mình", trang này bình luận.
Trước đó, trong cuốn tiểu sử Elon Musk do Walter Isaacson chấp bút, việc mua lại Twitter cũng được đánh giá là hành động thể hiện sự bốc đồng và bất chấp trong tính cách của Musk. Tuy nhiên, việc này được cho là xuất phát từ mong muốn hiện thực hóa "ứng dụng của mọi thứ" mà ông nghĩ đến từ hàng chục năm trước khi lập ra X.com trước khi sáp nhập vào PayPal.
Hành động mua lại Twitter và đổi tên thành X hiện vẫn bị nhiều chuyên gia cho là bước đi sai lầm của Musk. Từ 44 tỷ USD phải bỏ ra, X giờ được định giá còn chưa tới một nửa. Để thực hiện cam kết về tự do ngôn luận, mạng xã hội cũng phải đối mặt với tình trạng có nhiều nội dung độc hại, khiến hàng loạt nhãn hàng ngừng quảng cáo.