Trà dâm bụt có anthocyanin (một nhóm sắc tố màu đỏ đậm) và các chất chống oxy hóa khác ức chế quá trình oxy hóa, tức phản ứng hóa học có thể tạo ra các gốc tự do. Hợp chất anthocyanin và polyphenol trong trà có thể giãn mạch máu, từ đó giảm huyết áp.
Nước ép quả mọng chứa chất chống oxy hóa, làm giảm huyết áp tâm thu (áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu). Bạn có thể thêm quả mọng vào bột yến mạch hoặc thưởng thức như món ăn nhẹ để bổ sung thêm chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống.
Lựu giàu kali và các chất dinh dưỡng khác tốt cho tim. Nước ép lựu có hoạt tính chống oxy hóa gấp nhiều lần so với trà xanh hoặc rượu vang đỏ.
Nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hóa châu Âu (ESPEN), trên 60 người, cho thấy uống 177 ml nước ép lựu mỗi ngày trong 6 tuần giúp giảm đáng kể huyết áp ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 so với người không uống nước ép này.
Táo có các dưỡng chất có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol và chứng viêm. Loại nước trái cây này có thể giảm huyết áp nhờ chất flavonoid.
Các loại trái cây có múi như cam, bưởi, chanh có chứa hesperidin, một loại flavonoid có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe tổng thể.
Nước ép cà chua cung cấp chất chống oxy hóa như lycopene, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống nước ép cà chua hoặc ăn súp cà chua hàng ngày giúp cải thiện huyết áp, cholesterol xấu.
Nước dừa hỗ trợ giảm huyết áp vì rất giàu kali. Thức uống tự nhiên chứa đầy chất điện giải này có thể giúp thận thải lượng natri cao ra khỏi cơ thể, nhờ đó giảm huyết áp. Ngoài ra, nồng độ kali cao góp phần cải thiện sức khỏe mạch máu tổng thể và giảm khả năng đột quỵ.
|