Tình báo Anh vừa tiết lộ lý do Nga không dám triển khai siêu tăng mạnh nhất tới Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh trích dẫn dữ liệu tình báo cho biết, Nga rất có thể sẽ không sử dụng siêu tăng tối tân nhất của họ T-14 Armata trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.
Siêu tăng Armata. Ảnh: TASS
"Vào ngày 4/3, ông Sergei Chemezov, Chủ tịch tập đoàn sản xuất quốc phòng Rostec của Nga, tuyên bố rằng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiên tiến nhất của nước này, T-14 Armata, đã được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga nhưng sẽ không được triển khai tới Ukraine. Ông Chemezov tuyên bố lý do dẫn đến việc này là do việc sản xuất T-14 Armata trên quy mô lớn đã bị hạn chế vì chi phí cao”, Bộ Quốc phòng Anh dẫn thông tin tình báo cho biết trên X (Twitter).
Bộ cũng cho biết Armata MBT ra mắt lần đầu tiên vào Ngày Chiến thắng năm 2015. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 dự kiến nhận được siêu tăng T-14 Armata vào năm 2021. Tuy nhiên, khó có khả năng những chiếc xe tăng này được giao cho bất kỳ đơn vị tiền tuyến nào. Ngoài ra, MBT còn được phát hiện trong cuộc tập trận ở miền nam nước Nga vào tháng 12/2022 và các hãng thông tấn của Điện Kremlin cho biết nó sẽ được sử dụng ở Ukraine. Tuy nhiên, theo thông tin tình báo của Anh, cho đến nay, gần như chắc chắn rằng siêu tăng T-14 Armata chưa được quân Nga sử dụng trong các hoạt động tấn công ở Ukraine.
"Cho đến nay, gần như chắc chắn rằng T-14 Armata MBT vẫn chưa được triển khai tới Ukraine. Điều này rất có thể là do Nga lo ngại nguy cơ tổn hại về mặt danh tiếng nếu họ mất đi phương tiện uy tín là chiếc xe tăng tối tân nhất của mình trong chiến đấu trong khi không thể sản xuất số lượng lớn hơn các T-14 Armata", báo cáo tình báo Anh phân tích.
Trước đó, ngày 4/3, phát biểu với truyền thông, Chủ tịch Rostec xác nhận: "Quân đội Nga đã sở hữu xe tăng chủ lực T-14 Armata. Armata vượt trội mọi xe tăng hiện có về tính năng, nhưng nó hơi đắt".
Theo ông Chemezov, giá thành cao là lý do khiến quân đội Nga "chưa thể sử dụng xe tăng Armata cho chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Thay vào đó, quân đội Nga đã đưa ra giải pháp thay thế bằng những chiếc xe tăng T-90 với tính năng tương tự nhưng rẻ hơn nhiều.
Theo các chuyên gia phương Tây, siêu tăng T-14 Armata có giá từ 5 đến 9 triệu USD mỗi chiếc, cao hơn đáng kể so với các mẫu xe tăng chủ lực đời cũ mà Nga đang sử dụng.
Siêu tăng T-14 Armata có tổng trọng lượng tối đa 48 tấn; kíp xe 3 người; đạn pháo 48 viên; tốc độ bắn chiến đấu 12 phát/phút; công suất động cơ 1.200-1.500 mã lực; tốc độ di chuyển lên tới 90 km/h; dự trữ năng lượng trên 500 km; phạm vi phát hiện mục tiêu 5 km; phạm vi tiếp cận mục tiêu 8 km; thời gian cần thiết để thay thế động cơ là 30 phút.
Điều đặc biệt nhất của siêu tăng T-14 Armata là được trang bị tháp pháo điều khiển từ xa gắn pháo nòng trơn 2A82-M1 125 mm. Phương Tây đánh giá tháp pháo của T-14 Armata là sáng kiến tiên phong trong ngành chế tạo xe tăng, giúp khắc phục điểm yếu dễ bị thổi bay tháp pháo trên các dòng xe tăng Nga trước đây.
Kíp lái ba người của T-14 Armata ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố, tách biệt hoàn toàn với khoang chứa đạn và tháp pháo, giúp khả năng sống sót của họ khi bị đối phương tấn công cao hơn.
Ngoài ra, việc hạ gục T-14 Armata cũng được đánh giá là rất khó khăn. Mẫu tăng này được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại nhất, bao gồm một trạm radar độc đáo có thể kiểm soát đồng thời tới 40 mục tiêu trên mặt đất và 25 mục tiêu trên không trong bán kính 100 km. Hệ thống bảo vệ tích cực giám sát các quả đạn bắn vào xe tăng và có thể đánh chặn khi đạn tiếp cận, không để xe tăng bị bắn trúng.
Một số chuyên gia quân sự Nga siêu tăng T-14 Armata thậm chí có thể bắn đi các đầu đạn hạt nhân với sức công phá cực lớn. Cụ thể, cựu Đại tá Quân đội Nga Viktor Murakhovski cho biết, loại đạn pháo hạt nhân 3BV3 có thể được bắn đi từ các loại pháo cỡ nòng 152mm như loại pháo tự hành 2S19 Msta, 2S3 Akatsiya and 2S5 Giatsint-S nhưng loại đạn này chưa bao giờ được sử dụng.
Trong khi đó, siêu tăng Armata có thể được trang bị loại pháo nòng trơn 152mm nên về lý thuyết, xe tăng này có thể sử dụng các đầu đạn hạt nhân chiến thuật với sức công phá khoảng 0,1KT (tương đương 100 tấn TNT). Sức công phá lớn như vậy nhưng Armata có lẽ sẽ không bao giờ sử dụng loại đạn này, ông Murakhovski nhấn mạnh. Một trong những lý do là bởi xe tăng có tầm bắn ngắn nên việc sử dụng đạn hạt nhân cũng sẽ gây ảnh hưởng tới chính bên khai hỏa.
VietBF@ sưu tập