Chiều 11-3, hình ảnh giống "2 mặt trời" cùng lúc xuất hiện trên bầu trời khu vực hồ Tây (Hà Nội) được chia sẻ gây xôn xao với nhiều người về cảnh tượng hiếm, lạ này
Trao đổi với Báo Người Lao Động về hình ảnh "2 mặt trời", một lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định "đây là hiện tượng hiếm gặp" nếu hình ảnh được ghi nhận là sự thật. Tuy nhiên, ông cho rằng để nhận xét về hiện tượng này cần phải có thời gian tìm hiểu mới có câu trả lời chính xác.Còn ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), đánh giá hiện tượng "2 mặt trời" trong hình ảnh nêu trên là hiện tượng hiếm gặp, do trùng hợp ở quá trình tán xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời.Vị chuyên gia cho biết trong một số điều kiện phù hợp vào lúc trời nhiều mây, ánh sáng mặt trời khi va chạm với các hạt nước và tinh thể băng thì phản xạ lại gần như hoàn toàn tạo thành ảnh của mặt trời, giống như khi nó in bóng xuống một mặt hồ.
"Hình ảnh phản chiếu này tiếp tục phản xạ một lần nữa khi gặp một lớp mây khác, chỉ có một phần bị tán xạ. Vì thế, lần phản xạ thứ hai này tạo thành một ảnh mà ở mặt đất có thể nhìn thấy được giống như một mặt trời thứ hai"- chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.
Hồi tháng 7-2023, trên mạng xã hội nhiều người cũng đã chia sẻ hiện tượng "2 mặt trời" ẩn hiện trong mây xuất hiện cùng lúc tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Khi đó, trả lời báo chí, chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn cũng lí giải đó là hiện tượng rất hiếm gặp, nhưng hiển nhiên cũng chỉ là một hiện tượng quang học thuần túy.
|