Cà chua giàu lycopene và các sắc tố thực vật khác làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt, buồng trứng, đại trực tràng.
Cà chua có lượng calo thấp, hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Một quả cà chua sống cỡ trung bình chứa hơn 1 g chất xơ, 22 calo, kali, vitamin A và lycopene mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chất lycopene trong cà chua (có nhiều nhất ở vỏ) có thể chống lại nhiều loại ung thư. Đánh giá năm 2017 của Đại học Hacettepe, Thổ Nhĩ Kỳ, dựa vào 118 nghiên cứu, trên hơn 1.700 người, cho thấy người ăn nhiều cà chua có tỷ lệ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt và phổi thấp hơn. Điều này do lycopene trong cà chua có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và điều chỉnh chức năng miễn dịch.
Lycopene cùng với các chất chống oxy hóa khác từ cà chua hoạt động hiệp đồng để bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do là các phân tử không ổn định trong cơ thể gây tổn thương DNA dẫn đến bệnh và lão hóa.
Các tác giả của đánh giá tiêu thụ nhiều lycopene còn làm giảm nguy cơ ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen và progesterone ở phụ nữ sau mãn kinh. Nó cũng phòng chống ung thư buồng trứng, đại trực tràng, dạ dày và tuyến tụy.
Cà chua giàu lycopene có thể phòng ung thư. Ảnh: Mai Cat
Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Illinois, Mỹ, trên 260.000 người, phát hiện đàn ông ăn nhiều cà chua, gồm quả sống, sốt, có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn do tổng lượng lycopene hấp thụ được tối ưu hóa khi nấu chín.
Tương tự, nghiên cứu năm 2020 Đại học Loma Linda, Mỹ, trên gần 28.000 nam giới, cho thấy đàn ông ăn cà chua đóng hộp và nấu chín từ 5 lần trở lên mỗi tuần có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 28% so với đàn ông không ăn quả này.
Khi nấu chín cà chua, cơ thể dễ hấp thụ lycopene tốt hơn. Để tối đa hóa lợi ích bảo vệ của lycopene, nên ăn cà chua cùng với chất béo lành mạnh như bơ, dầu ô liu. Vì lycopene là một loại carotenoid (sắc tố thực vật) cần chất béo để cơ thể hấp thụ.
Ăn loại quả này thường xuyên có khả năng bảo vệ DNA trong tế bào chống lại sự phát triển của ung thư vú, ruột già và máu. Đây là đánh giá của Đại học Portsmouth, Anh, dựa trên 394 nghiên cứu trước đó.
Lycopene và β-carotene là hai loại carotenoid trong cà chua đều có tác dụng chống ung thư. Do đặc tính chống oxy hóa, lycopene và các carotenoid khác có thể chống lại quá trình gây ung thư bằng cách ngăn ngừa tổn thương oxy hóa trong DNA và protein.
Các cơ chế chống ung thư của lycopene gồm điều chỉnh chức năng gene và gây ra apoptosis (chết tế bào theo chương trình trong cơ thể), chống viêm. β-carotene trong cà chua cũng dẫn đến apoptosis trong tế bào ung thư và giảm sự phát triển của chúng.
Axit ferulic, một loại axit phenolic, có trong cà chua là chất chống oxy hóa hiệu quả cũng có đặc tính chống ung thư.
Vỏ và hạt cà chua gồm 60% chất xơ. Chất xơ được chuyển hóa bởi hệ vi sinh vật đường ruột tạo thành các axit béo chuỗi ngắn như axit butyric và acetic. Các tế bào ung thư ruột già không thể sử dụng các thành phần này làm nguồn năng lượng dẫn đến giảm tăng sinh tế bào và tăng quá trình chết theo chương trình.
Các tác giả nghiên cứu kết luận chế độ ăn giàu cà chua có thể làm tăng nồng độ lycopene trong máu, nhờ đó có khả năng chống ung thư.