Ông Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân và 20 bị cáo khác được VKS đề nghị giảm 1-2 năm so với mức đề nghị trước đó, vì phạm tội do tin tưởng bà Trương Mỹ Lan, ăn năn hối cải...
Trưa 3/4, sau phần tranh luận lần hai với các luật sư và bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), VKS khẳng định đã "làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan, toàn diện".
Quá trình xét xử tranh tụng, một số bị cáo đã ăn năn hối cải, nộp tiền khắc phục và cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ nên VKS ghi nhận thêm, và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho 22 bị cáo so với mức đề nghị trước đó.
Cụ thể, đối với ông Chu Nap Kee Eric - tức Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), VKS đánh giá bị cáo không tham gia điều hành SCB, phạm tội do tin tưởng vợ. Tại tòa, bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, nên đề nghị tòa giảm mức đề nghị xuống 10-11 năm, thay vì 11-12 năm.
VKS cũng đánh giá Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ăn năn hối cải, quá trình phạm tội do bị bà Lan chỉ đạo, bị phụ thuộc, tin tưởng hoàn toàn vào bà Lan. Trong phần tranh luận, luật sư của bị cáo Vân cung cấp tình tiết giảm nhẹ mới như: thư tri ân của Đại sứ Cu Ba; bằng khen, giấy khen của các bộ ngành trung ương về thành tích tham gia phòng chống Covid-19; đã vận động gia đình nộp khắc phục thêm một phần thiệt hại. Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt Vân mức án 17-18 năm tù (trước đó là 19-20 năm).
Với bị cáo Nguyễn Cao Trí, VKS ghi nhận sự tích cực của bị cáo và gia đình đã khắc phục gần 700 tỷ đồng. Quá trình phiên tòa diễn ra, bị cáo đã nộp thêm 61 tỷ. Gia đình bị cáo có nhiều công sức đóng góp cho xã hội nên VKS đề nghị áp dụng mức hình phạt 9-10 năm tù (trước đó là 10-11 năm).
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, nguyên phó tổng giám đốc SCB, cũng được đề nghị giảm còn 18-19 năm. Đặng Phương Hoài Tâm, nguyên chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được giảm xuống còn 17-18 năm; Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, được đề nghị 13-14 năm tù; Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Sài Gòn Peninsula, giảm còn 18-19 năm...
Với các bị cáo thuộc đoàn thanh tra, giám sát thuộc Nhân hàng Nhà nước, VKS đánh giá họ thành khẩn khai báo, nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi. Tại tòa, luật sư của các bị cáo trình bày nhiều lý do dẫn tới khó khăn, làm hạn chế việc giám sát, thanh tra. Do đó, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ 1-2 năm tù so với mức hình phạt đề nghị trước đó.
Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như "công cụ tài chính" huy động tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bị cáo đã trực tiếp và chỉ đạo, điều hành các cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, móc nối chặt chẽ với nhau thực hiện nhiều hành vi sai phạm rút tiền của ngân hàng.
Trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ.
Ba đồng phạm của bà Lan là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Đinh Văn Thành (bỏ trốn) và Bùi Anh Dũng đều là cựu chủ tịch HĐQT SCB bị đề nghị mức án từ chung thân về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù.
|
|