UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có thông báo kết quả phiên họp tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4. Sau khi Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành bị bắt. Phiên họp trên do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn chủ trì.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Vũ Việt Văn khẳng định tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, nhanh chóng khắc phục khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Đáng chú ý, nhờ kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc nên hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh "nhìn chung ổn định". Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý đầu năm 2024 ước tăng 4,06% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng trưởng -0,5%).
Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính riêng tháng 3 tăng 25,7% so với tháng trước, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2024, IIP tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 6,67% so với cùng kỳ; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63%; chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19%.
Như vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc nhìn chung vẫn khó khăn. Theo số liệu do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực như sau:
Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 13,49% so cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 7,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,96%; sản xuất ô tô giảm 20,23% và xe máy giảm 4,64%.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận, trong quý đầu năm 2024, hoạt động đầu tư phát triển gia tăng ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với mức tăng lần lượt là 9,23% và 6,11%.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công quý I/2024 khá cao, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (đạt 8,7% kế hoạch), đưa Vĩnh Phúc xếp thứ 3/63 các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.
Tính đến giữa tháng 3, Vĩnh Phúc thu hút được 12 dự án DDI (trong đó có 6 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt gần 2.100 tỷ đồng.
Với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép cho 25 dự án (13 dự án mới, 12 dự án điều chỉnh vốn), với tổng số vốn đăng ký là hơn 347 triệu USD.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có chững lại, nhưng theo lãnh đạo Vĩnh Phúc, đã ghi nhận sự gia tăng không nhỏ về vốn đăng ký với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng kỳ.
Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 283 doanh nghiệp, giảm 6,9%. Có 158 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 577 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh.
Về vấn đề việc làm, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho gần 6.400 lao động; lao động thôi việc, mất việc trên 1.600 người.