Nắng nóng gây mất nước, tăng nguy cơ mắc các bệnh như đau họng, khô họng, viêm xoang, chảy máu cam, cúm.
Nhiệt độ cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển. Không khí khô cũng làm mất độ ẩm của da, mất nước, kích thích xoang, mũi họng nếu tiếp xúc liên tục, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác như viêm họng, hen suyễn...
Đau rát cổ họng chủ yếu do mất nước, hít thở không khí khô qua miệng. Lúc này, cơ thể ít tiết nước bọt để làm ẩm miệng và cổ họng. Người bệnh có cảm giác đau rát cổ, nếu nặng có thể nhiễm trùng, khó nuốt. Dấu hiệu mất nước dễ nhận biết như ít đi tiểu, nước tiểu có màu vàng sậm, da khô và lạnh, mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở...
Viêm phế quản và các bệnh về đường hô hấp khác dễ xảy ra khi trời nóng. Môi trường độ ẩm thấp, không khí khô, chất lỏng ở ống phế quản có thể bay hơi nhanh hơn, dẫn đến kích ứng đường thở. Với người mắc bệnh sẵn, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn.
Viêm xoang dễ tái phát vào mùa nóng. Không khí khô làm thân nhiệt giảm gây mất cân bằng sinh nhiệt thích ứng của cơ thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công mũi, xoang. Khô niêm mạc mũi ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của mũi xoang, chất nhầy trong xoang khô và đặc hơn, giảm khả năng dẫn lưu qua mũi.
Chảy máu cam phổ biến do độ ẩm không khí trong nhà thấp gây mất nước, ảnh hưởng đến niêm mạc vùng mũi, sung huyết dễ chảy máu. Người lớn tuổi và trẻ em thường chảy máu cam hơn do hệ miễn dịch yếu, khó thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.
Cúm: Không khí khô có thể kéo dài thời gian tồn tại của virus trong nhà. Nó ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng bằng cách làm suy yếu và giảm chất nhầy trong mũi - một phần trong cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể, tăng nguy cơ mắc cúm, cảm lạnh. Đây là tác nhân của các bệnh như kích ứng và tổn thương mắt, căng thẳng, da khô và viêm, làm nặng thêm các triệu chứng bệnh chàm.
Dùng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí. Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen giúp xông hơi nước vào mũi, miệng. Sử dụng bình xịt dưỡng ẩm cho mũi hoặc rửa mũi bằng bình neti cũng có ích. Uống nhiều nước, hạn chế ra ngoài để tránh tiếp xúc với các chất kích ứng.
|