Rạn san hô Great Barrier của Australia - được mệnh danh là cấu trúc sống lớn nhất thế giới và là hệ thống duy nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ - đang trải qua đợt tẩy trắng tồi tệ nhất từng được ghi nhận.Trải dài khoảng 2.300km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia, rạn san hô Great Barrier sở hữu hệ sinh thái đa dạng sinh học tuyệt đẹp bao gồm hơn 600 loài san hô và 1.625 loài cá.Theo tuyên bố của Cơ quan quản lý công viên biển của Australia đưa ra ngày 17/4, những cuộc khảo sát từ trên không do các nhà khoa học thực hiện cho thấy, khoảng 730 trong số hơn 1.000 rạn san hô trải dài ở Great Barrier đã bị tẩy trắng.
Cơ quan này lưu ý rằng, "các tác động chồng chất xảy ra trên khắp rạn san hô Great Barrier trong mùa Hè năm nay cao hơn so với các mùa Hè trước".
Đây là lần thứ 5 Great Barrier trải qua đợt tẩy trắng hàng loạt trong vòng 8 năm qua. Các chuyên gia cho rằng, điều này liên quan đến biến đổi khí hậu.
San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo sống trong mô của chúng và cung cấp nguồn thức ăn chính cho chúng.
Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài.
Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng. Một số loài san hô bị tẩy trắng có thể phục hồi đáng kể và có khả năng phục hồi nếu nhiệt độ nước biển giảm.Kể từ đầu năm 2023, tình trạng tẩy trắng hàng loạt rạn san hô đã diễn ra trên khắp các vùng nhiệt đới, bao gồm cả Florida (Mỹ), vùng Caribbean, Brazil và phía Đông Thái Bình Dương.
Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) ước tính, thế giới đã mất từ 30-50% số rạn san hô và con số này có thể lên tới 100% vào cuối thế kỷ, nếu nhân loại không có sự can thiệp quyết liệt.
|