Hầm đường sắt 88 tuổi, có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam bị sạt lở 9 ngày, con số thiệt hại ước tính rất "khủng".
Thiệt hại nặng nề khi sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió qua Đèo Cả
Hầm Bãi Gió tọa lạc tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1930 và hoàn thành vào năm 1936. Đây là công trình đã được tu sửa nhiều lần, với vỏ hầm làm từ bêtông, chiều dài trên 400m, cao 5m và rộng 4m.
Chiều ngày 12/4, 150 m3 đất đá bị sạt xuống ở vị trí cách cửa hầm Bãi Gió khoảng 85 m. Tiếp đến, vào khoảng 4h15 sáng ngày 13/4, một lượng đất đá khoảng 50 m3 tiếp tục đổ sập nhưng đã được dọn dẹp cơ bản. Tuy nhiên, đến 17h45 cùng ngày, địa điểm vừa được dọn dẹp lại bị đất đá sạt lấp hoàn toàn.
Sự cố trên đã gây thiệt hại nặng nề với ngành đường sắt khi đang vào mùa cao điểm phục vụ hành khách trong kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ sắp đến.
Từ ngày 12-21/4, có khoảng 11.700 vé hành khách trả lại do sự cố sạt lở hầm đường sắt. Sau sự cố, một số chuyến tàu hàng chuyên tuyến phải ngừng chạy, không xếp hàng đi theo tàu khách, phải chuyển tải hàng trăm nghìn tấn hàng bằng đường bộ, chuyển tải hành khách bằng ô tô khoảng 30.100 hành khách; phục vụ ăn uống miễn phí cho hành khách bị ảnh hưởng với gần 4.000 suất ăn chính, hơn 1.000 suất ăn phụ, gần 2.000 chai nước lọc.
Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho báo Lao Động hay: Tổng thiệt hại theo thống kê sơ bộ của ngành đường sắt là gần 19,4 tỉ đồng.
Hành khách cười tươi trên chuyến tàu khách đầu tiên sau thông hầm. Ảnh: Báo Giao thông
Ngành đường sắt hiện đang làm việc với các cơ quan bảo hiểm để đền bù thiệt hại trong quá trình chuyển tải hành khách, vận chuyển hàng hóa, tàu chậm.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đang thống kê chi phí sửa chữa hầm Bãi Gió, hiện chưa có con số cụ thể.
"Đây là sự cố vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát nên thiệt hại đối với vận tải đường sắt rất lớn. Doanh nghiệp kiến nghị các cấp xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ", ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho báo Tiền Phong biết.
9 ngày nỗ lực thông hầm
17h ngày 21/4, đoàn tàu công trình được lệnh thông xe kỹ thuật hầm Bãi Gió sau 9 ngày liên tục khắc phục sự cố. Ngay sau khi đoàn tàu đi qua, hàng chục cán bộ kỹ thuật, nhân viên ngành Đường sắt đi vào hầm Bãi Gió, kiểm tra kỹ từng chằng néo, vị trí gia cố, từng đoạn nhỏ đường ray.
Sau khi thấy đã đảm bảo an toàn, đến 18 giờ 15 phút, đoàn tàu hàng HH84 được phát lệnh qua hầm từ ga Đại Lãnh ra phía Bắc. Tàu hàng HH84 gồm 1 đầu máy và 18 toa hàng, tổng trọng lượng gần 850 tấn qua hầm với tốc độ 5km/h. Khi tàu này vừa ra khỏi cửa hầm, cả trăm người lao động đang có mặt tại hiện trường vỡ òa niềm vui.
Trước đó, các đơn vị thi công đã khoan 39 mũi khoan, trong đó có 2 mũi khoan từ sườn núi xuống và 37 mũi khoan bên trong hầm để bơm bê tông áp lực cao, tạo sự kết dính ổn định cho hầm Bãi Gió. Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã hàn các thanh sắt lớn, tạo mái vòm vững chắc tại vị trí sạt lở trong hầm Bãi Gió.
Ông Nguyễn Văn Định, Công nhân Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho VOV hay: Sau khi xảy ra sạt lở, hàng trăm người lao động trong khu vực Nam Trung bộ được điều động đến công trường, ăn, ở tại chỗ, thay nhau làm việc ngày đêm để khắc phục sự cố.
"Lúc mà bít hầm rồi không khí không lưu thông được, anh em làm phía trong ngột ngạt, cứ 1 giờ đồng hồ phải thay người. Anh em làm vất vả nhưng khi nhìn thấy cảnh đầu tàu thông qua được, ai cũng mỉm cười và vỗ tay. 9 ngày qua, chúng tôi dù ở xa hay ở gần đều túc trực bên công trường, thay ca nhau 24/24 để giải quyết sự cố. Ngủ thì trong những khu tập thể, tự mua chiếu trải xuống nền nhà ngã lưng, làm 3 ca liên tục", ông Định chia sẻ với nguồn trên.
VietBF@ Sưu tập